Các doanh nhân Hong Kong cùng các nhà đầu tư Hà Lan và Trung Đông hiện đang hợp tác xây dựng một nhà máy chuyển đổi các loại dầu thải thành dầu diesel sinh học.
Đó là nhà máy ASB Biodiesel có tổng giá trị lên tới 165 triệu USD, diện tích 18.000m2 đặt tại khu công nghiệp Tseung Kwan O, thuộc phía Đông Hong Kong.
Nhà máy chuyên sản xuất dầu diesel sinh học sẽ chuyển đổi các loại dầu bôi trơn động cơ, máy móc và dầu ăn đã sử dụng thành dầu diesel sinh học bằng công nghệ hàng đầu thế giới.
Khoảng 75% cổ phần của ASB Biodiesel thuộc sở hữu của Ngân hàng Al Salam Bank (Baranh), trong khi 25% cổ phần còn lại thuộc về người sáng lập nhà máy này.
Tổng Giám đốc ASB Biodiesel, Anthony Dixon, cho biết nhà máy này sẽ được hoàn thành vào tháng 2/2013 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2013, với công suất dự kiến là 100.000 tấn dầu diesel sinh học/năm.
Các nguyên liệu thô để sản xuất dầu diesel sinh học bao gồm các axit béo từ cây cọ, dầu ăn và dầu bôi trơn đã qua sử dụng, cùng với chất béo động vật.
Ông Dixon cho biết trong khi nhà máy ASB Biodiesel vẫn đang trong quá trình xây dựng thì nhiệm vụ quan trọng nhất của ban quản lý là tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thô này.
Theo ông Dixon, ban đầu, khoảng 40% các nguyên liệu thô sẽ là các axit béo từ cây cọ - một phụ phẩm thu được từ quá trình sản xuất dầu cọ - và ASB đang thảo luận với các nhà sản xuất dầu cọ tại Malaysia và Indonesia nhằm tiếp cận nguồn nguyên liệu này.
Trong khi đó, khoảng 25% số nguyên liệu thô sẽ là dầu ăn đã qua sử dụng, vốn bị nhiều người bỏ đi sau khi rán đồ ăn nhiều lần và không thể tái sử dụng.
Bắt đầu từ tháng 11/2010, ASB đã thu thập dầu ăn qua sử dụng từ 1.800 nhà hàng tại Hong Kong và trở thành công ty thu thập dầu ăn đã qua sử dụng lớn nhất tại Hong Kong.
Dầu mỡ bôi trơn động cơ máy móc và mỡ động vật sẽ lần lượt chiếm 20% và 15% số nguyên liệu thô còn lại để sản xuất dầu diesel sinh học.
Ông Dixon nói thêm việc thu thập axit béo từ cây cọ là tốn kém nhất trong bốn loại nguyên liệu, nhưng nó đòi hỏi ít công đoạn tinh chế lại và công nghệ chuyển hóa thành dầu diesel sinh học lại tương đối đơn giản.
Dầu bôi trơn động cơ có chi phí thấp nhất, nhưng lại yêu cầu kỹ thuật tinh chế cao hơn.
Theo Giám đốc công nghệ của ASB, Roberto Vazquez, công nghệ tinh chế dầu diesel sinh học mà ASB sử dụng là của công ty năng lượng sinh học châu Âu là BDI, hiện đang giữ vị trí hàng đầu thế giới trong việc cung cấp các công nghệ sản xuất.
Sản lượng ước tính 100.000 tấn dầu diesel/năm có thể được so sánh với nhà máy dầu diesel quy mô lớn ở châu Âu.