Các nhà nghiên cứu phát hiện hormone oxytocin vốn được mệnh danh là hormone tình yêu, giúp con người chung thủy, tốt lên nay cũng có thể tiếp tay cho thói xấu của con người: Nói dối.
>>> Khoa học đã tìm ra vị đích thực của tình yêu
Các nhà nghiên cứu cho biết oxytocin được giải phóng trong cơ thể con người ở nhiều tình huống xã hội khác nhau. Đặc biệt, hormone này được tiết ra nhiều nhất khi con người đang yêu hay sinh con. Vì vậy, nó còn có tên gọi khác là hormone tình yêu, thường đi đôi với sự tinh tưởng và gắn kết.
Tuy nhiên mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hormone oxytocin có thể khiến con người nói dối nhiều hơn nhằm phục vụ lợi ích nhóm, gia đình. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng các đối tượng được cung cấp hormone sẽ nói dối nhiều hơn, dễ dàng, ít do dự hơn.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một trò chơi đơn giản trên máy tính nhằm yêu cầu những người chơi dự đoán về kết quả việc tung tiền xu ảo, sau đó tự giác báo cáo cho các nhà nghiên cứu. Muốn giành chiến thắng trong trò chơi đó, các tình nguyện viên phải nói dối.
Nếu báo cáo rằng đã dự đoán đúng, đội của họ sẽ được 40 xu, nếu sai họ không được tiền. Vòng đầu tiên có 60 người đàn ông khỏe mạnh tham gia, nửa số người được phun lượng nhỏ oxytoxin và nửa còn lại được dùng giả dược. Những người chơi dùng oxytoxin cho biết họ dự đoán trúng với tỉ lệ trung bình 79,7%, còn những người dùng giả dược cho rằng mình chỉ đoán trúng với tỉ lệ 66,7%.
Những người chơi có dùng hormone tình yêu báo cáo về số lần dự đoán của mình trung bình trong vòng 2,22 giây. Những người dùng giả dược phải mất 2,86 giây để quyết định nói kết quả của mình cho các nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện hàng lâm khoa học. “Để bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi, con người có thể bẻ cong sự thật và cư xử thiếu trung thực", nhóm nghiên cứu của Shaul Shalvi từ ĐH Ben-Gurion ở Negev, Israel và Carsten de Dreu thuộc ĐH Amsterdam thuộc Hà Lan, kết luận.
“Khi họ dùng sự không trung thực phục vụ lợi ích nhóm, oxytocin sẽ khiến con người nói dối nhiều hơn, trắng trợn hơn. So với giả dược, oxytocin cũng giúp con người nhanh chóng đưa ra quyết định không trung thực hơn”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Các nhà khoa học còn cho biết những tác động của oxytocin đặc biệt nổi trội khi lời nói dối có cơ hội được tạo ra nhằm tránh việc thất thoát tài chính. Tuy nhiên, khi lời nói dối chỉ phục vụ lợi ích của bản thân người nói, oxytocin không gây nên bất kỳ tác động nào.