Ung thư thận thường không có triệu chứng gì cho đến khi nó đã lan ra các cơ quan nội tạng khác. Đây là loại ung thư khó chữa trị nhất. Những phương pháp trị liệu hóa học mới hứa hẹn kéo dài khả năng sống sót trong những giai đoạn bệnh sau, nhưng cũng rất độc hại.
Các nhà khoa học tại Trung tâm ung thư Davis UC đã phát hiện một số cách để ngăn chặn cơ chế tự hồi phục của gen ung thư và nhờ đó giúp những phương pháp trị liệu hóa học cho ung thư thận hiệu quả và ít bị tổn hại hơn.
Robert Weiss, giáo sư về hệ tiết niệu tại UC Davis và tại Trung tâm Y tế VA Sacramento, cho biết: “Tế bào ung thư nổi tiếng với khả năng tạo ra những bản sao của bản thân một cách nhanh chóng. Những dược phẩm mới nhất chỉ làm chậm lại quá trình đó chứ không hoàn toàn chữa khỏi bệnh đồng thời có rất nhiều tác dụng phụ. Chúng tôi muốn tìm ra những phương pháp để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp trị lieu hóa học với liều dùng thấp nhất có thể”.
Ung thư thận. (Ảnh: ohsu.edu) |
Nhóm nghiên cứu đã thí nghiệm hàng nghìn hợp chất và 12 trong số đó được phát hiện có thể kết hợp với protein tái tổ hợp p21. Những thí nghiệm sau đó cho thấy 3 trong 12 hợp chất này làm giảm khả năng hoạt động của p21, ngăn chặn khả năng tự phục hồi của tế bào ung thư thận, khiến chúng phản ứng mạnh hơn với những biện pháp chữa trị.
Weiss cho biết: “Những kết quả này thật đáng mừng, đặc biệt là khi việc chữa trị ung thư thận vẫn gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu của chúng tôi mang lại niềm hy vọng rằng trong tương lai chất ức chế gen p21 có thể được sử dụng cùng với những phương pháp chữa trị ung thư thông thường để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư thận”.
Đối với những nghiên cứu trong tương lai, Weiss sẽ tập trung vào 3 loại hợp chất kể trên để xác định nồng độ thấp nhất có thể mà chúng vẫn hiệu quả và phát huy hết thuộc tính chống ung thư. Ông sẽ kiểm tra 3 loại hợp chất này với việc chữa trị tiêu chuẩn ở mô hình động vật, rồi cuối cùng là thí nghiệm trên con người.
Ông cho biết: “Mục tiêu là để tìm kiếm những phương pháp chữa trị ung thư mới và đưa những phương pháp này vào hệ thống y tế nhanh chóng nhất có thể”.
Kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Biology and Therapy. Các đồng tác giả khác tại UC Davis bao gồm See-Hyoung Park, Xiaobing Wang, Riuwu Liu và Kit Lam. Nghiên cứu do Học viện ung thư quốc gia, Hội cựu chiến binh Hoa Kỳ, Quỹ động vật Morris, Học viện y tế quốc gia và Quỹ khoa học quốc gia tài trợ.