Theo một nghiên cứu đăng trên trang mạng của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 20/6, một nhóm các nhà khoa học đã thành công trong việc tìm ra cơ chế tái sinh phức tạp của gan thông qua việc nghiên cứu một protein chịu trách nhiệm giải mã gen.
Một trong những tác giả tham gia công trình nghiên cứu trên, Phó giáo sư Atsushi Suzuki thuộc Viện Y khoa Bioregulation của Đại học Kyushu cho biết, việc giảm số lượng protein kiểm soát sự sao chép thông tin gen, hay còn gọi là nhân tố sao mã, kích thích sự phát triển của các tế bào gan.
Hình ảnh minh họa lá gan
Phó giáo sư Suzuki nói: "Nhờ tìm ra phương pháp kiểm soát nhân tố sao mã này, chúng tôi có thể xác định nguyên nhân gây ra các bệnh như xơ gan và ung thư gan, từ đó phát triển liệu pháp chữa trị cho các bệnh này."
Gan có khả năng tái sản sinh mạnh mẽ. Trong thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học thấy một lá gan sau khi đã bị cắt bỏ 70% có thể mọc trở lại kích cỡ ban đầu trong khoảng một tuần cho đến 10 ngày.
Trong nghiên cứu trên, nhóm các nhà khoa học đã tập trung tìm hiểu nhân tố sao mã có tên "snail" đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tế bào và các chức năng khác.
Khi họ cắt bỏ một phần lá gan của chuột, số lượng "snail" bên trong các tế bào gan bắt đầu giảm đáng kể trong 12 tiếng trước khi các tế bào gan bắt đầu mọc trở lại.