Là chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, Úc hiện đang xúc tiến việc thông qua một mô hình kinh doanh khí thải giữa các thành viên APEC, nhằm mục tiêu kiểm soát việc phát thải khí nhà kính.
Kế hoạch này sẽ dựa trên những nguyên tắc cơ bản của nhóm Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương về phát triển sạch và khí hậu - với sự tham gia của 6 quốc gia (AP6) bao gồm Úc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, đồng thời cũng sẽ được mở rộng đến các đối tác khác trong khu vực. Kế hoạch đang ở dạng đề xuất này dựa trên việc tìm ra "một cơ chế" nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính.
Theo cơ chế này, khi lượng khí thải của một quốc gia nào đó vượt qua mức độ cho phép thì nước đó sẽ phải bỏ tiền ra mua "quota" bổ sung. Nếu thành hiện thực, đây là lần đầu tiên Mỹ thực sự tham gia vào một hành động quốc tế ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Ngoài các quốc gia trong APEC, một số nước châu Âu khác cũng được mong đợi sẽ tham gia vào kế hoạch này.
Các nước có nền công nghiệp phát triển hơn sẽ phải trả tiền cho các nước nghèo để mua "quota" khí nhà kính (Ảnh: Typepad) |
Trong kế hoạch làm việc được thông báo tới các nhà lãnh đạo APEC vào hồi tháng 3 vừa qua, ông Howard đã khẳng định về việc sẽ đưa vấn đề thay đổi khí hậu vào chương trình làm việc của Hội nghị APEC và sẽ tiến hành kế hoạch này dựa trên triết lý của AP6 về việc chuyển giao công nghệ, ví dụ như công nghệ than sạch, nhằm giới hạn lượng khí nhà kính nhưng đồng thời cũng không làm tổn hại đến sự phát triển kinh tế. Cách đây 3 tuần, ông Howard đã thông báo về một sáng kiến mang tính toàn cầu nhằm chống lại nạn phá rừng, đặc biệt là ở Indonesia. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng Úc sẽ chỉ chấp nhận một cơ chế trong đó sẽ không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Úc hoặc đưa nước này vào vị trí bất lợi trong kinh doanh.
Hiện tại các thành viên của APEC tiêu thụ tới hơn 60% lượng năng lượng trên thế giới, đồng thời nhu cầu năng lượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được dự báo là sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Kế hoạch này được mong đợi sẽ là cách thức tốt nhất để có thể kiểm soát và hạn chế lượng khí thải, đồng thời cũng có thể coi là dấu hiệu chấm dứt những bất đồng bấy lâu về việc kiểm soát khí nhà kính với sự tham gia của những nước có lượng khí thải lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Hương Giang