Kefir là gì? Nó có tốt cho sức khoẻ hay không?

Kefir là cái tên đang nhận được rất nhiều sự chú ý. Loại sữa lên men đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước này nổi tiếng giàu dinh dưỡng và chứa vô số vi khuẩn tốt cho đường ruột, cùng những lợi ích về sức khoẻ khác. Nhưng liệu nó có thực sự tốt như lời đồn?

Thức uống cổ đại thu hút người hiện đại

Kefir được cho là có nguồn gốc từ vùng núi Caucasian, một vùng nằm ở đường biên của châu Âu và châu Á. "Ngày nay, những nhà sản xuất kefir lớn nhất thế giới là Nga, Ba Lan, Thuỵ Điển, Nauy, Phần Lan, và Đức" - theo lời chuyên gia dinh dưỡng Paulina Nowak. "Nhu cầu vẫn đang tăng lên ở Mỹ và Nhật".

Kefir chủ yếu được sản xuất từ sữa bò, sữa dê, hay sữa cừu. "Tuy nhiên, nó cũng có thể được sản xuất từ các loại nước uống gốc thực vật, như sữa dừa, sữa đậu nành, hay sữa gạo, sử dụng nước trái cây và nước" - Nowak nói.


Kefir là sự kết hợp của men bia và sản phẩm của quá trình lên men vi khuẩn.

Khi được làm từ sữa động vật, kefir sẽ có đặc tính sền sệt của yogurt cùng mức carbonat hoá nhẹ. Tại sao lại như vậy? Bởi trong khi yogurt là kết quả của vi khuẩn sữa lên men, thì kefir là sự kết hợp của men bia và sản phẩm của quá trình lên men vi khuẩn được biết đến với cái tên "hạt kefir". Đừng nhầm với những loại hạt thực thụ như lúa mì hay gạo. Hạt kefir là một loại men cô đặc, thứ khiến món đồ uống "sống" này có những đặc tính chữa bệnh nổi tiếng của nó.

"Kefir có chứa các chủng lợi khuẩn lactobacillus acidophilus, bifidobacterium bifidum, lactobacillus kefiranofaciens, lactobacillus helveticus..." - theo Loren Richter, CEO và nhà sáng lập của công ty sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng BlueBiology. "Mỗi chủng lợi khuẩn cung cấp cho cơ thể những lợi ích riêng".

Lợi khuẩn là các "vi khuẩn tốt" tương tự như vi khuẩn thường được tìm thấy trong hệ tiêu hoá. "Điều đó có nghĩa kefir tốt cho sức khoẻ đường ruột bởi nó hỗ trợ và giúp tăng cường các vi khuẩn có ích và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại" - theo Melissa Hooper, chuyên gia dinh dưỡng, nhà sáng lập công ty liệu pháp dinh dưỡng Bite-Size Nutrition.

Kefir có thể đặc biệt hữu ích đối với những người sử dụng kháng sinh lâu dài, bởi nó sẽ giúp tái xây dựng lại hệ thống vi khuẩn có ích vốn bị suy giảm bởi kháng sinh, và nó có thể hỗ trợ những người gặp vấn đề về tiêu hoá, như hội chứng co thắt ruột kết, loét hệ tiêu hoá, và thậm chí là các trường hợp tiêu chảy thứ cấp.

Và bởi hầu hết lactose đã bị loại bỏ trong quá trình lên men của kefir, thức uống này thường có thể được sử dụng bởi những người gặp vấn đề trong tiêu hoá các sản phẩm sữa. "Dù nó được làm từ sữa, hàm lượng lactose bên trong rất thấp, còn hàm lượng lợi khuẩn thì cao, như lactobacillus chẳng hạn" - Hooper nói. "Trên thực tế, kefir được xem là có tiềm năng cao hơn yogurt xét về sức mạnh của lợi khuẩn"

Kefir còn là nguồn dinh dưỡng tốt. Một cốc kefir không đường, ít béo, dung tích 29ml, có 11g protein và chỉ 110 calories. Nó còn có hàm lượng canxi, phốt-pho, vitamin B12, riboflavin, ma-giê, và vitamin D cao.

Tác dụng phụ, tốt và xấu

Dù Kefir có tác dụng hỗ trợ đường ruột, nó có thể gây ra tình trạng sưng tấy, đầy hơi, buồn nôn, chuột rút, và thậm chí là táo bón, đặc biệt khi mới sử dụng lần đầu. Và với một số người, hương vị khá gắt của nó cũng có thể là một vấn đề.

"Không có nhiều điểm tiêu cực, trừ khi bạn đơn giản là không thích hương vị của nó" - theo Keith-Thomas Ayoob, tiến sỹ giáo dục tại Học viện Dinh dưỡng Mỹ.

Ayoob khuyến khích người dùng cần xem kỹ thông tin ghi trên nhãn của các sản phẩm kefir ngoài cửa hàng, bởi nhiều trong số chúng có thể được thêm khá nhiều đường, và khẳng định đây là loại thức uống an toàn cho mọi lứa tuổi, trừ những người bị dị ứng với sản phẩm từ sữa.


Lợi khuẩn trong kefir có thể tác động lên cách cơ thể chúng ta hấp thụ cholesterol từ thức ăn.

Được biết, các nghiên cứu trên toàn thế giới đã và đang khám phá ra nhiều lợi ích tiềm tàng đáng ngạc nhiên của việc uống kefir. Một nghiên cứu từ năm 2015 trên Tạp chí Sức khoẻ Cộng đồng phát hiện ra rằng tiêu thụ kefir sẽ giúp hạ mức đường trong máu lúc đói đối với những người mắc tiểu đường và dần dần sẽ giúp giảm mức đường trong máu tổng thể. Và một nghiên cứu năm 2017 nói về tác dụng phụ của kefir đối với cholesterol cho thấy sự sụt giảm đáng kể "cholesterol xấu" đối với những người uống sữa lên men. Các nhà nghiên cứu tin rằng, lợi khuẩn trong kefir có thể tác động lên cách cơ thể chúng ta hấp thụ cholesterol từ thức ăn.

Hỏi đáp nhanh về Kefir

1. Kefir có hương vị như thế nào?

Loại thức uống từ sữa bò/dê/cừu lên men này có vị yogurt gắt với mức carbonat hoá nhẹ. Nhiều người sẽ thấy nó rất ngon, nhưng nếu muốn bạn có thể thêm vào một ít nước hoa quả.

2. Kefir có tác dụng phụ không?

Có. Kefir có thể gây ra sưng tấy, đầy hơi, buồn nôn, và chuột rút với một số người, dù hầu hết thường xảy ra khi một người lần đầu tiêu thụ nó, đặc biệt nếu họ uống quá nhiều trước khi cơ thể kịp làm quen với nó.

3. Một ngày uống kefir bao nhiêu là đủ?

Thông thường, bạn có thể tiêu thụ khoảng 1 cốc kefir mỗi ngày một khi cơ thể đã quen. Bắt đầu với 1/4 cốc và tăng dần nếu bạn không gặp tình trạng khó chịu dạ dày.

4. Những lợi ích của kefir

Kefir cực kỳ tốt cho sức khoẻ đường ruột và tăng cường sự ổn định cho ruột. Loại thức uống lên men này còn rất tốt đối với những người đang hồi phục sau thời gian sử dụng kháng sinh lâu dài, bởi nó giúp tái tạo các vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hoá. Một số nghiên cứu cho thấy kefir giúp giảm mức đường máu lúc đói đối với các bệnh nhân tiểu đường và dần dần sẽ làm giảm mức đường trong máu theo thời gian.

5. Kefir có là một loại đồ ăn chống viêm?

Giống nhiều thức ăn lợi khuẩn, kefir có khả năng chống viêm. Nhờ quy trình lên men của Kefir, thức uống này có thể tiêu thụ bởi những người gặp vấn đề tiêu hoá các sản phẩm sữa.

6. Kefir có tốt hơn yogurt?

Kefir thực sự là một nguồn lợi khuẩn tiềm năng hơn rất nhiều so với yogurt. Chỉ cần kiểm tra cẩn thận hàm lượng đường trong các sản phẩm kefir đang được bày bán trên thị trường, nếu không, tốt nhất bạn nên sử dụng món yogurt!

Cập nhật: 18/03/2021 Theo VnReview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video