Các nhà sưu tầm hóa thạch nghiệp dư tìm thấy một khúc xương voi khổng lồ có thể lên tới 125.000 năm tuổi trên hòn đảo lớn nhất của Anh.
Khúc xương hóa thạch dài gần một mét và nặng 30 kg được hai anh em nhà Furguson tình cờ phát hiện trên bờ biển phía tây nam của hòn đảo Wight, gần vịnh Brighstone, sau một trận sạt lở đất vào hôm 27/1.
"Giống như mọi ngày, chúng tôi lang thang trên các bãi biển ở phía nam đảo Wight để tìm kiếm hóa thạch khủng long. Chúng tôi đã làm điều đó từ khi còn nhỏ nhưng chưa từng thấy khúc xương nào đáng kinh ngạc như vậy. Đây thực sự là một phát hiện để đời", Joe Furguson, 28 tuổi, chia sẻ.
Joe và anh trai Luke Furguson, 30 tuổi, sau đó đã chụp ảnh mẫu vật và gửi cho bảo tàng Bảo tàng Đảo Khủng long Sandown trên đảo Wight. Theo Tiến sĩ Martin Munt, Giám đốc bảo tàng, khúc xương khoảng 30.000 đến 125.000 năm tuổi dường như thuộc về một con voi ngà thẳng hoặc voi ma mút.
"Xương của cả hai loài này đều đã được tìm thấy trên các bờ biển phía tây nam đảo Wight trước đây, nhưng mẫu vật này thật độc đáo và hiếm có. Nó được bảo quản đặc biệt tốt trong tình trạng gần như nguyên vẹn", Munt cho biết.
Khúc xương có khả năng thuộc về một con voi ngà thẳng hoặc voi ma mút. Ảnh: Solent News.
Voi ma mút đã tuyệt chủng cách đây 4.500 năm. Loài lớn nhất trong chi này, Mammuthus columbi, có thể cao tới 4 m và nặng hơn 7 tấn, tương đương động vật lớn nhất trên cạn hiện nay là voi đồng cỏ châu Phi. Trong khi đó, voi ngà thẳng (Palaeoloxodon) bao gồm những loài voi lớn nhất từng tồn tại khi có thể cao tới 5,2 m và nặng 14 - 20 tấn. Chúng đã tuyệt chủng cách đây 3.000 năm.
Voi ma mút và voi ngà thẳng đều tồn tại cùng với những người tinh khôn thời kỳ đầu. Sự săn bắn quá mức để lấy thịt, ngà và xương được xem là nguyên nhân chính đẩy cả hai loài tới mức tuyệt chủng.