Đầu những năm 1990, một đoàn khảo cổ đã phát hiện ra ngôi mộ cổ tại thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây - địa điểm được coi là thánh địa khảo cổ tại Trung Quốc. Trong thời gian khai quật cứu hộ ban đầu, nhóm chuyên gia đã phát hiện rất nhiều hố trộm trên lớp đất niêm phong tường mộ, chắc hẳn ngôi mộ này đã từng bị trộm mộ viếng thăm không ít lần.
Điều đáng mừng là khu lăng mộ đặc biệt này được xây theo các ngăn, tất cả những kẻ đột nhập vào đây chỉ mới đi vào ngôi mộ phụ nhỏ nằm bên hông, còn mộ chính và hành lang chính của lăng vẫn tuyệt nhiên chưa có kẻ xâm phạm. Phải công nhận rằng thiết kế của lăng mộ vô cùng thông minh, đáng ngưỡng mộ!
Các chuyên gia ngay lập tức tìm được đường vào lăng chính, tại đây, họ đã sững sờ trước cảnh tượng kỳ vĩ trước mắt. Lăng mộ chính sáng sủa, đầy ắp cơ man trang sức vàng bạc, số lượng đạt tới hàng trăm món. Đội khảo cổ lọt vào lăng giống như lạc vào xứ thần tiên, họ cẩn thận xem xét từng di vật đẹp đẽ được tạo tác từ vàng, bạc.
Quan sát đặc điểm trên một số món đồ tùy táng, các chuyên gia nhận định đây là lăng mộ thời Tây Chu (1046 TCN - 771 TCN), thời kỳ hoàng kim của xã hội nô lệ Trung Quốc, năng suất xã hội, sản xuất nông nghiệp, văn hóa phát triển vượt bậc so với thời kỳ trước.
Đáng tiếc rằng trong lăng mộ này không có văn bia nên hậu thế không thể xác định được chủ mộ là ai, song ngôi mộ chắc hẳn thuộc về một quý tộc giàu có hoặc thành viên hoàng thất Tây Chu.
Chuôi kiếm nặng 6kg, được làm từ vàng ròng khắc rỗng với nhiều chi tiết ngọc tinh xảo. (Ảnh: Sohu).
Tìm kiếm nhanh các bảo vật trong lăng, mọi người trong đoàn khảo cổ đều bị thu hút bởi một thanh kiếm vàng trong hố đất cạnh hành lang mộ. Thực tế kiếm đã bị gãy hết phần lưỡi, chỉ còn chuôi, song riêng chuôi kiếm đã nặng tới 6kg.
Phần chuôi này được làm từ vàng ròng, chạm khắc thành nhiều khe rỗng cực tinh xảo, bên trên còn khảm hàng chục viên ngọc xanh từ thời Thương, Chu. Quả thật ít ai có thể cưỡng lại được vẻ đẹp của bảo vật này!
"Đống sắt vụn này mới là quốc bảo!"
Sau khi tìm thấy chuôi kiếm vàng ròng, trưởng nhóm khảo cổ yêu cầu các thành viên tiếp tục đào dọc hành lang mộ thì nhanh chóng phát hiện một lưỡi gươm rỉ sét. Lưỡi gươm nằm lâu trong lớp đất ẩm đã bị oxy hóa tới mức thảm hại, thoạt nhìn chỉ giống như đống sắt vụn.
Không ngờ khi nhìn thấy nó, trường nhóm khảo cổ lại vui mừng khôn xiết: "Đống sắt vụn này mới là quốc bảo, là thành tựu lớn nhất trong cuộc khảo cổ này!"
Lưỡi kiếm này chính là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc trong trình độ luyện kim của người cổ đại. (Ảnh: Sohu)
Hóa ra đây chính là phần lưỡi sắt của thanh kiếm vàng ròng bên trên. Cách đây 2.900 năm, vàng tuy rất xa xỉ nhưng vẫn chỉ là tài nguyên do con người khai thác được, ở những buổi đầu của nền văn minh nhân loại, sắt mới là minh chứng cho sức mạnh công nghiệp của con người.
Lưỡi kiếm này chính là minh chứng cho trình độ luyện kim vô cùng thuần thục ở thời cổ đại, cho thấy trí tuệ của các thế hệ đi trước. "Vàng mềm, sắt cứng", chính kỹ thuật luyện kim ưu việt của con người mới làm nên nhiều công cụ lao động để phát triển xã hội sau này.
Thanh kiếm tìm thấy trong lăng mộ Tây Chu được các nhà khảo cổ đặt tên là "Kim Bính Thiết Đao", tức thanh kiếm chuôi vàng, ngày nay được lưu giữ trong Bảo tàng Nam Kinh, thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.