Hóa thạch cá tiền sử được tìm thấy ở Trung Quốc bao gồm các xương mang đặc điểm quai hàm của động vật có xương sống hiện đại.
Các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu hóa thạch cá tiền sử Qilinyu, dài khoảng 30cm, xuất hiện cách đây 423 triệu năm, được khai quật ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trên tạp chí Science hôm 21/10. Loài cá này có phần xương giống quai hàm của động vật có xương sống hiện đại, bao gồm cả con người, theo Reuters.
Hóa thạch cá cổ đại mang đặc điểm của quai hàm động vật có xương sống hiện đại. (Ảnh: Dinghua Yang).
Cá xuất hiện cách đây hơn 500 triệu năm, là loài động vật có xương sống đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, ở thời nguyên thủy, chúng không có quai hàm. Cá da phiến là loài động vật có xương sống đầu tiên có quai hàm, bước tiến hóa quan trọng giúp chúng bắt con mồi. Chúng có phần đầu và phần lớn cơ thể được bao phủ bởi tấm giáp, phần quai hàm có các lưỡi xương làm nhiệm vụ như răng để xé và nghiền con mồi.
Qilinyu thuộc loài cá da phiến nhưng có ba phần xương, gồm xương hàm dưới, xương hàm trên và mảnh trước hàm. Đây là một đặc điểm của quai hàm động vật có xương sống hiện đại.
"Ở con người, hàm dưới được cấu tạo hoàn toàn từ xương hàm dưới. Phần lớn hàm trên được tạo thành từ xương hàm trên nhưng răng cửa là dấu tích của mảnh trước hàm", Per Ahlberg, nhà cổ sinh vật học ở Đại học Uppsala, Thụy Điển, giải thích.
Phát hiện này trái ngược với quan điểm trước đây cho rằng quai hàm hiện đại tiến hóa muộn hơn, xuất hiện ở thời kỳ đầu của lớp cá xương. "Giờ đây chúng ta biết rằng một chi của cá da phiến tiến hóa thành động vật có xương sống và quai hàm hiện đại", Ahlberg nói.