Khai quật tàu cổ "ngủ quên" 2.500 năm dưới đáy sông Nile

Chiếc tàu kỳ dị làm từ gỗ keo và… giấy papyrus xuôi ngược sông Nile, được nhà sử học Herodotus mô tả trong tác phẩm Historia, vừa được khai quật.

Nhóm khảo cổ đến từ Trung tâm Khảo cổ Hàng hải của Đại học Oxford (Anh) vừa phát hiện "một trong những con tàu khó nắm bắt nhất từ thế giới cổ đại" – chiếc tàu sông Nile "baris".

Trước đây, baris chỉ được biết đến vỏn vẹn trong 23 dòng thuộc tác phẩm Historia của sử gia Hy Lạp lừng danh Herodotus. Trong một chuyến ngao du Ai Cập, ông đã chứng kiến việc chế tạo một chiếc baris, vốn được người Ai Cập điều khiển ra vào những thương cảng tấp nập trên sông Nile.


Tàu baris ngủ yên dưới đáy sông Nile gần 2.500 năm vừa được khai quật - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Baris không như những con tàu khác. Nó có đáy phẳng, một bánh lái được gắn xuyên qua chiếc lỗ trên sàn thuyền, cột buồm làm từ gỗ keo và cánh buồm làm từ giấy cói papyrus. Nói cách khác, nó mang hình dáng một chiếc sà lan hơn là một con tàu bình thường.

Suốt 2.500 năm qua, con tàu kỳ quái vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khảo cổ và sử học hiện đại. Chưa có bằng chứng nào về baris được tìm thấy.


Những tấm ván dày được lắp ráp bằng mộng và chèn bằng giấy cói vẫn nguyên vẹn sau gần 25 thế kỷ - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Nhưng nhóm thám hiểm lần này đã gặp may khi khai quật được con tàu với hình dạng y như mô tả trong những dòng sử huyền thoại tại bến cảng Thonis-Heracleion bên bờ sông Nile.

Con tàu được đóng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên mới được khai quật được một nửa nhưng cũng đủ để các nhà khoa học nhận thấy đó là một chiếc tàu vô cùng to lớn và là thành tựu kỹ thuật đáng kinh ngạc của thế giới trước công nguyên. Họ ước tính ban đầu tàu dài đến 28 mét, được chế tạo bằng cách xếp nhiều tấm ván dày và dài khoảng 1 mét, lắp ráp chúng lại theo khung sườn bằng gỗ dài, kết nối chỉ bằng các mộng gỗ. Các đường nối được che chắn bên trong bằng giấy papyrus.


Bản vẽ mô phỏng hình dạng con tàu sông Nile kỳ lạ dựa trên các phần xác tàu đã tìm thấy - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Khi chiếc tàu đã cũ, nó được tái sử dụng thành một chiếc cầu cảng nổi. Người Ai Cập cổ dùng nó để vận chuyển hàng hóa trên sông. Vào thời hoàng kim, sông Nile từng có hàng chục chiếc sà lan kiểu cổ như thế này.

"Baris sẽ chuyển hàng nhập khẩu từ Hy Lạp và Ba Tư xuống xa hơn trên sông Nile, đến các thành phố ở thung lũng; đồng thời đưa hàng hóa từ Ai Cập như ngũ cốc hoặc muối natron đi để xuất khẩu" – nhà nghiên cứu Damian Robinson, giám đốc Trung tâm Khảo cổ Hàng hải của Đại học Oxford, cho biết.


Herodotus - nhà sử học Hy Lạp, người duy nhất đã có ghi chép về những con tàu bí ẩn từng ngược xuôi sông Nile trù phú - (ảnh: THE GUARDIAN).

Con tàu cùng các phát hiện khác từ cảng Thonis-Heracleion hiện đang được trưng bày tại triển lãm "Thành phố chìm đắm của Ai Cập" tại Học viện Nghệ thuật Minneapolis (Mỹ).

Cập nhật: 25/03/2019 Theo NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video