“Tôi không hề bất ngờ trước thông tin này và khẳng định đây là chuyện có thể xảy ra” - TS Phạm Ngọc Đính, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - nói về sự kiện một bé gái 14 tuổi của VN kháng thuốc Tamiflu trong điều trị cúm gia cầm.
Bệnh nhân này đã được kê đơn Tamiflu hồi tháng 2-2005 để phòng ngừa. Dù không tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh nhưng vào thời điểm đó cô gái đang chăm sóc người anh trai 21 tuổi bị nghi nhiễm cúm gia cầm.
Virus được phân lập trong cơ thể cô gái giống hệt virus ở người anh trai. Cô gái đã phục hồi song trường hợp này cho thấy có lẽ cô đã nhiễm virus từ người anh chứ không phải trực tiếp từ gia cầm.
Thuốc Tamiflu bán tại Phnom Penh |
Theo TS Đính, trước đó ở VN đã nhận được những dấu hiệu chủng virus H5N1 phân lập được và kháng thuốc Tamiflu. VN đã gửi các mẫu bệnh phẩm bệnh nhân H5N1 sang Hong Kong và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nhằm trao đổi thông tin giữa các nước vì VN cũng nằm trong hệ thống giám sát phòng chống cúm theo chuẩn Tổ chức Y tế thế giới.
Và mẫu bệnh phẩm kháng thuốc Tamiflu như đã thông tin có thể chính là mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân VN gửi sang.
TS Đính nhấn mạnh: “Tôi xin khẳng định một lần nữa trường hợp kháng thuốc Tamiflu là chuyện rất bình thường, và không có nghĩa thuốc phòng chống virus H5N1 Tamiflu vô dụng mà ngược lại đó vẫn là thuốc dự trữ điều trị và dự phòng tốt nhất phòng chống virus H5N1 hiện nay. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang có chương trình thử nghiệm virus H5N1 kháng thuốc Tamiflu tại khu vực phía Nam”.
Còn TS Lê Quỳnh Mai, trưởng phòng virus Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nhận định: “đây có thể là mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân ở Thái Bình từng nhập viện vì cúm H5N1 và đã sử dụng thuốc Tamiflu điều trị.
Nếu đúng như vậy thì bệnh nhân hiện vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường. Trước chuyện này, chúng tôi biết được thêm những vấn đề của sự kháng thuốc của virus H5N1 để điều chỉnh phác đồ điều trị hiệu quả hơn.
Đây cũng chỉ là một trường hợp riêng lẻ chưa nói lên điều gì về vấn đề kháng thuốc Tamiflu và cũng chưa thể khẳng định mức độ kháng thuốc là như thế nào. Do đó việc sử dụng thuốc Tamiflu hiện vẫn là hiệu quả nhất”.
THỤY KHUÊ
* VN trước nguy cơ mùa dịch thứ ba VN đang ở ngưỡng cửa mùa dịch cúm gia cầm, mùa dịch thứ ba liên tiếp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết phòng chống dịch cúm gia cầm các tỉnh phía Nam, diễn ra tại TP.HCM ngày 15-10. Ông đồng thời khuyến cáo các địa phương phải tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo ông Bùi Bá Bổng, với hiện tượng dịch cúm gia cầm đang lan rộng trên toàn cầu như hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng đã khuyến cáo khả năng xảy ra nạn dịch cúm trên người, do đó nếu hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả, VN - một trong những nước có nguy cơ cao - sẽ góp phần ngăn chặn trận đại dịch trên con người. Theo ông, việc tiêm phòng văcxin cho đàn gia cầm từ nay đến cuối tháng 3-2007 sẽ được tiến hành liên tục. Tất cả các đàn gia cầm hợp pháp hay không hợp pháp đều phải được tiêm phòng để hạn chế nguồn lây bệnh. Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã thông báo chương trình tiêu độc khử trùng trên phạm vi cả nước được bắt đầu từ 15-10 và sẽ kéo dài trong hai tháng. Theo thông tin báo cáo tại hội nghị, tính đến đầu tháng 10-2005 đã có khoảng 32 tỉnh thành trong cả nước triển khai tiêm phòng văcxin cho đàn gia cầm, với tổng số đàn gia cầm đã tiêm phòng hơn 48 triệu con. HẢI ĐĂNG |