Khi cái chết chưa phải là kết thúc, một bé gái 2 tuổi đang chờ được hồi sinh

Một ngày nào đó, khi con người có khả năng hồi sinh được người chết, Matheryn sẽ không cô đơn. Cha mẹ cô bé cũng đã cam kết trở thành hội viên của Alcor. Biết đâu sau này, cả gia đình họ lại có thể đoàn tụ với nhau, sống tiếp một cuộc đời trọn vẹn hơn ở một tương lai tốt đẹp hơn.

Matheryn Naovaratpong vừa bước qua sinh nhật lần thứ hai được hai tháng, trước khi cô bé vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại vào một buổi sáng mùa xuân. Ngày 19 tháng 4 năm 2014, cô bé được đưa đến một bệnh viện ở Bangkok, nơi các bác sĩ phát hiện ra một khối u dài 11cm vẫn đang lớn dần lên trong bán cầu não trái.

Matheryn - với cái tên thường gọi ở nhà là Einz - đã bị ung thư biểu mô ependymoblastoma, một dạng ung thư não hiếm gặp thường chỉ tấn công những đứa trẻ. Tiên lượng quá nghiệt ngã, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của căn bệnh chỉ ở mức 30%. Không lâu sau đó, Einz rơi vào trạng thái hôn mê.

Trong cuộc phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ đã cắt bỏ một nửa khối u, khoan thủng một lỗ qua hộp sọ của Einz để giảm những áp lực đang đè nặng lên bộ não bé bỏng. Bước ra khỏi phòng vô trùng, họ nói với bố mẹ cô bé - cả hai đều là những nhà khoa học có bằng tiến sĩ - rằng Einz sẽ không bao giờ thức dậy được nữa.

Ngay cả khi cô bé có thể tỉnh lại, bằng một phép lạ nào đó, căn bệnh ung thư cũng không thể nào chữa trị được. Bệnh viện khuyên họ nên rút ống thở cho Matheryn, nếu bố mẹ quyết định, họ sẽ giúp cô bé nói lời chào tạm biệt một cách thanh thản nhất.

"Nhưng ngay trong tuần đó, Einz đã tỉnh lại, còn nguyên vẹn nhận thức của một đứa trẻ 2 tuổi", Sahatorn Naovaratpong, cha cô bé kể lại. "Einz đã đáp lại với những bài kiểm tra kích thích và khiến mọi người rất ngạc nhiên. Con bé trở thành một hiện thân cho giá trị cuộc sống".

Sự kiện này đã nuôi hi vọng và truyền một luồng cảm hứng cho gia đình Naovaratpong tiếp tục điều trị. "Chúng tôi quyết định chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư này", Sahatorn nói. "Chúng tôi có thể không đánh bại được nó, nhưng cuộc sống của con bé có thể dẫn đến một bước tiến xa hơn của loài người, để một ngày nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ thực sự vượt qua được căn bệnh ung thư".

Suốt một năm sau đó, Matheryn trải qua 12 ca phẫu thuật não, 20 đợt hóa trị và 20 buổi xạ trị kết hợp. Đứa bé 2 tuổi ấy đã bị cắt bỏ tới 80% não trái, về cơ bản sẽ làm toàn bộ phần cơ thể bên phải bị tê liệt. Có những khoảng thời gian hi vọng đã dâng trào, nhưng cũng có nhiều thời điểm nỗi tủi hờn vây kín, Sahatorn mô tả lại cảm xúc của anh trong quãng thời gian dài đằng đẵng ấy.

"Chúng tôi nhìn thấy được một sức chiến đấu mạnh mẽ cho sự sống, bên trong đôi mắt tròn xinh đẹp của con bé", anh nói. "Kết thúc đợt điều trị, cuối cùng Einz cũng có thể đứng lên được và có thể nhìn bằng cả con hai mắt, như thể con bé đã sống sót sau căn bệnh ung thư não. Chúng tôi thậm chí không nghĩ đến chuyện Einz có thể lấy lại được tuổi thơ của mình với chỉ một bên não phải".

Sau khi có lại được ánh sáng từ đôi mắt, cô bé 2 tuổi cũng từ từ đứng dậy được, rồi có thể luyện tập để cử động phần bên phải cơ thể. Matheryn đã sống lâu hơn các bệnh nhân khác cùng phòng điều trị, Sahatorn nói. Nhiều nạn nhân của ung thư não biểu mô đã bị đánh gục trước sinh nhật lần thứ hai.

Năm 2014, gia đình Naovaratpong khởi động một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư trẻ em ở Thái Lan. Họ cũng bắt đầu gây quỹ cho một chương trình nghiên cứu ung thư di truyền. "Hãy để Einz là người dẫn đường đầu tiên", Sahatorn chia sẻ phương châm và động lực của mình.

Nhưng đến tháng 11 năm 2014, căn bệnh ung thư đã lan khắp não của Matheryn, cuối cùng làm tê liệt khuôn mặt và cơ bắp của cô bé.

"Chúng tôi nhận ra đó là điểm kết thúc", Sahatorn nói. "Chúng tôi phải chuẩn bị để nói lời tạm biệt". Vào ngày 8 tháng 1 năm 2015, Matheryn được xuất viện. Cô bé hoàn toàn tỉnh táo.

"18 giờ 18 phút, trong vòng tay của gia đình và người thân, chúng tôi đã chơi đùa để níu giữ con bé trước khi ngắt toàn bộ hệ thống hỗ trợ sự sống, giải phóng đôi vai bé bỏng khỏi những gánh nặng đang chất đầy", Sahatorn kể lại. "Các tế bào ung thư và các tế bào khác trong cơ thể con bé được giữ lại để nghiên cứu".

"Cơ thể của Einz thì được bảo quản lạnh ở Arizona, ở đó để chờ đợi những công nghệ sắp tới", anh nói.

Tính đến nay, Matheryn Naovaratpong là đứa bé trẻ tuổi nhất trên thế giới được đông lạnh thi thể chờ hồi sinh, một công nghệ gọi là "cryonic" đang giữ niềm hi vọng cho hơn 350 người đã chết và cả gia đình họ.

"Trước cô bé, người trẻ nhất chúng tôi đã thực hiện đông lạnh thi thể là một phụ nữ 21 tuổi", Aaron Drake, Giám đốc Phản hồi Y tế tại Quỹ Kéo dài Cuộc sống Alcor cho biết. "Còn người già nhất 102 tuổi".

Alcor là một trong những tổ chức lớn nhất thế giới đang cung cấp dịch vụ cryonic, bảo tồn thi thể con người và động vật có vú trong một trạng thái đóng băng "sinh học" hướng đến mục đích hồi sinh sau này. Trong mô tả sứ mệnh của mình, Alcor viết:

"Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn sinh học cho các bệnh nhân. Giữ các hội viên hiện tại và tương lai trong trạng thái bảo tồn sinh học (khi họ cần). Nhiệm vụ sau cùng trong tương lai, chúng tôi sẽ phục hồi sức khỏe cho họ để tái hòa nhập với xã hội trong sự chăm sóc của Alcor".

Có tính phí (khoảng 200.000 USD - tương đương 4,6 tỷ VNĐ cho một thi thể), Alcor tuyên bố sẽ bảo tồn các cơ thể xuống cấp vượt quá khả năng giúp đỡ của y học hiện đại, cho đến một ngày mà nền khoa học và công nghệ sinh học của tương lai phát triển đủ mạnh, để có thể khôi phục lại những sai hỏng đó.

Trong những năm qua, các bác sĩ và kỹ thuật viên của Alcor đã thực hiện đông lạnh cho hơn 150 thi thể. Những thi thể này hiện đang được lưu trữ tại trụ sở chính của tổ chức ở Arizona.

Nhìn chung, lĩnh vực khoa học được gọi là cryonic đã trải qua một thời kỳ phục hưng. Khoảng một thập kỷ trước, 63 bác sĩ và nhà khoa học đã cùng nhau kí vào một bức thư ngỏ tuyên bố về công nghệ cryonic, gọi nó là "một nỗ lực dựa trên cơ sở khoa học hợp pháp".

Cryonic đã thu hút được nhiều người nổi tiếng ủng hộ; huyền thoại bóng chày Ted Williams của Mỹ cũng đã chọn Alcor làm nơi bảo quản thi thể mình sau khi qua đời.

"Gia đình [cô bé Matheryn] biết về Alcor qua internet", Marji Klima, người phát ngôn của Alcor cho biết. "Cả cha và mẹ cô bé đều là những tiến sĩ. Sau khi thực hiện 11 ca phẫu thuật cho con gái mình, họ nhận ra rằng cô bé sẽ không thể vượt qua được, vì vậy họ đã liên lạc với chúng tôi".

Alcor đồng ý nhận Matheryn làm bệnh nhân và đăng ký hội viên cho cô bé. Kế hoạch ban đầu là đưa Ma therynđến Hoa Kỳ bằng máy bay khi cô bé vẫn còn sống. Với phương án này, nhóm của Alcor có thể thực hiện thủ tục đông lạnh thi thể trong nước. Thủ tục được mô tả rất dữ dội, phức tạp và có độ xâm lấn cao.

Nó yêu cầu di chuyển bệnh nhân lên giường băng, bọc cô bé bằng vật liệu đông lạnh, khởi động lại trái tim bằng máy hồi sức tim phổi, truyền vào người cô bé hơn một chục loại thuốc khác nhau, hút máu và thay thế nó bằng chất chống đông y tế, mở khoang ngực để gắn các mạch máu chính vào một cỗ máy nhằm rút nốt lượng máu dư còn lại, sau đó mới từ từ hạ nhiệt độ thi thể xuống, với tốc độ 1˚C mỗi giờ. Sau hai tuần, cơ thể sẽ đạt được đến độ lạnh sâu -196˚C.

Alcor đã chọn sẵn một bệnh viện nhi khoa được trang bị tốt ở California cho thủ tục.

"Ở thời điểm đó, chúng tôi hy vọng cô bé 2 tuổi sẽ được chuyển đến bệnh viện này kịp thời, khi sức khỏe cô bé đang yếu dần đi", Drake nói. "Thật không may, sức khỏe của cô bé giảm sút nhanh hơn so với các bác sĩ dự đoán. Hai ngày trước chuyến bay đến Mỹ, cô bé đã phải thở máy, về cơ bản khiến phương án vận chuyển bằng máy bay bị phá sản".

Alcor sẽ phải đến tận nhà của cô bé, một đất nước Đông Nam Á phía bên kia Thái Bình Dương.

"Chúng tôi quyết định gửi đến một bác sĩ", Klima nói, "Vì tuổi tác và kích thước của thi thể quá nhỏ, họ muốn chọn một người giỏi. Khi bạn nhìn vào những mạch máu của một đứa trẻ nhỏ như vậy, đó là một điều gì đó rất khác so với những bệnh nhân khác. Và đây còn là một đứa trẻ mắc nhiều khối u não".

Alcor đã gửi gắm niềm tin của họ vào Jose Kanshepolsky, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã nghỉ hưu. Vị bác sĩ đã cùng Drake bay tới Thái Lan. Họ đã dành ra 2 ngày cho "chế độ chờ", thuật ngữ Alcor gọi giai đoạn ban đầu của quy trình đông lạnh thi thể - trong đó các bác sĩ sẽ túc trực gần hội viên đang hấp hối, chờ đợi xem họ có thể vượt qua được hay không, trong lúc vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho thủ tục bảo quản thi thể.

Bác sĩ Kanshepolsky đã kiểm tra tình hình Matheryn tại bệnh viện, trước khi cô bé được đưa về nhà và xuất hiện một biến chứng đáng báo động: vì phần lớn bộ não của Matheryn đã bị cắt bỏ, hộp sọ của cô bé lúc này chứa đầy dịch não tủy khiến cho quá trình trở nên khó khăn hơn.

"Chúng tôi thường khoan hai lỗ trên hộp sọ, bằng cách này, chúng tôi có thể nhìn bộ não của bệnh nhân một cách trực tiếp. Nếu bộ não bắt đầu co lại trong quá trình đông lạnh, chứng tỏ phương pháp đang được tiến hành có hiệu quả", Drake nói.

Đó là bởi vì chất chống đông y tế mà Alcor sử dụng có tác dụng làm khô, khiến não co lại khi mất nước. Kỹ thuật viên ở Alcor cũng cần những cái lỗ trên hộp sọ để luồn các dụng cụ quan trọng thông qua đó. "Xuyên qua hai lỗ, chúng tôi sẽ lắp các khớp nối nhiệt, đầu dò nhiệt để theo dõi nhiệt độ bộ não trong quá trình bảo quản", Drake nói.

Vì có quá nhiều dịch não tủy trong hộp sọ Matheryn, bác sĩ Kanshepolsky quyết định hoãn việc trích xuất não, và thực hiện quá trình bảo quản toàn thân.

Theo Drake, hai người đã quyết định "thực hiện tưới máu để bảo vệ não của Matheryn ngay tại Thái Lan". Họ làm vậy mà không cần tách bộ não của cô bé khỏi phần còn lại của cơ thể. "Lựa chọn này đã tỏ ra hiệu quả trong quá trình chuyển thi thể quay trở lại Mỹ", Drake viết trong một bản tóm tắt sau thủ tục, đồng tác giả với Giám đốc điều hành của Alcor, Max More.

"Vào ngày thứ hai, Matheryn được thăm khám bởi một bác sĩ có mặt ở đầu giường cô bé trong khi cái chết lâm sàng diễn ra", họ viết. "Một kíp phẫu thuật đã được tập hợp trong căn phòng liền kề, tiếp nhận bệnh nhân giữ ổn định cho cô bé và tưới máu ngay lập tức. Được thử nghiệm ở khu vực rất xa [trụ sở Mỹ] , hệ thống bảo quản lạnh của Alcor vẫn tỏ ra hiệu quả".

Các thủ tục phẫu thuật đã diễn ra mà không gặp phải sự cố nào. "Nó diễn ra rất suôn sẻ", Klima nói. "Ca này cho kết quả tốt hơn cả một số thủ tục được thực hiện ngay bên trong trụ sở của chúng tôi".

Việc tiếp theo là phải vận chuyển thi thể của Matheryn về Arizona.

"Chúng tôi phải tuân thủ các quy định của ngành tang lễ", Drake nói. "Có những quy định của hãng hàng không liên quan đến việc vận chuyển thi thể người. Trong trường hợp này, chúng tôi đã liên hệ với một công ty an táng ở Anh, công ty này trước đó đã nhận vận chuyển thi thể David Carradine [một diễn viên Hollywood chết trong tư thế treo cổ tại một khách sạn Thái Lan năm 2009]. Tất cả các tài liệu chúng tôi cần phải điền và hoàn thành. Giấy chứng tử bằng tiếng Thái và cả tiếng Anh, và nhiều thứ khác nữa".

Sau khi mọi thủ tục xong xuôi, thi thể Matheryn mới được đưa lên máy bay tới Mỹ.

"Thông thường chúng tôi sẽ tách phần đầu ra khỏi thân người", Drake nói. "Chúng tôi không lường trước được phản ứng của họ, từ gia đình, nhà xác cho đến các nhân viên kiểm soát an ninh biên giới, thi thể và cái đầu phải đi qua một số địa điểm vận chuyển, hải quan, kiểm soát an ninh, v.v. Một cái đầu đóng băng trong hộp có thể khiến rất nhiều chiếc chuông báo động vang lên. Ở Mỹ đó không phải là vấn đề lớn, nhưng ở đó [Thái Lan], mọi người có thể không quen".

Bởi vậy, giữ cho cơ thể Matheryn nguyên vẹn là một quyết định thực sự sáng suốt. "Toàn bộ thi thể được đặt trong một thùng chứa đá khô, nhiệt độ của nó hạ thấp đến nhiệt độ của đá khô (-79oC)", More và Drake viết.

"Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan phê duyệt lô hàng, một chiếc container đổ đầy đá khô được hãng hàng không vận chuyển đến sân bay quốc tế Los Angeles để thông quan". Ở đó, Alcor đã huy động những nhân viên của mình từ thành phố Buena Park đến nhận hàng. Drake và một nhân viên Alcor khác đã lái một chiếc xe chuyên dụng để kéo thùng container về.

"Việc bảo tồn thần kinh được thực hiện tại Alcor ngay sau khi thi thể của Matheryn được chở đến. Cô bé trở thành bệnh nhân thứ 134 của Alcor", công ty thông báo.

Thủ tục "bảo tồn thần kinh" trong cách gọi của Alcor, thực chất, là trích xuất não bộ Matheryn và bảo quản nó trong một thùng lưu trữ có tên "Bigfoot Dewar", một hộp thép không gỉ, cách nhiệt chân không chứa đầy nitơ lỏng ở nhiệt độ -196˚C.

Nằm yên trong gió lạnh ở Arizona, bộ não của cô bé 2 tuổi sẽ phải đợi chờ y học phát triển đến độ tìm ra một phương pháp chữa trị ung thư não rồi hồi sinh cô bé trở lại sự sống.

"Trường hợp này đòi hỏi rất nhiều kế hoạch hậu cần, nhưng vâng, chúng tôi đã rất hài lòng với kết quả", Drake nói.

Cuộc sống vĩnh cửu, đã từng và ngay cả ở thời điểm hiện tại, vẫn là niềm khao khát của cả nhân loại. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thủ tục đông lạnh thi thể cryonic bắt đầu vượt qua các lằn ranh giới quốc tế. "Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu từ nước ngoài", Klima nói, nhưng Alcor chưa có tài nguyên hoặc cơ sở hạ tầng để đáp ứng tất cả các yêu cầu ấy.

Chi phí bảo quản thi thể ở Alcor cao, nhưng không phải quá đắt đối với một số người. Để trở thành hội viên của Alcor, nghĩa là giữ chỗ đăng ký và sẵn sàng cho "chế độ chờ", khách hàng sẽ phải trả khoản phí 770 USD/năm (khoảng 17,8 triệu VNĐ).

Bảo tồn thần kinh - thủ tục đông lạnh chỉ phần não bộ của thi thể có giá từ 80.000 USD (hơn 1,8 tỷ VNĐ) và 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ VNĐ) cho toàn bộ cơ thể. Alcor đề nghị các thành viên tương lai mua bảo hiểm nhân thọ để trang trải chi phí.

"Thị trường của chúng tôi đang phát triển", Drake nói. Anh phỏng đoán dựa trên sự quan tâm của mọi người đến cryonic qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và đặc biệt là sự cởi mở của giới trẻ.

"Thế hệ trẻ đã quen với việc nhìn thấy những thay đổi trong công nghệ. Bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ ra, 6 tháng sau, có một ứng dụng cho nó. Thế hệ trẻ thấy điều này và nghĩ 'chắc chắn rồi, tại sao lại không chứ'? - họ có thể tiếp nhận mọi công nghệ kỳ lạ khác, vậy tại sao không thể chấp nhận cryonic? Họ còn cảm thấy đây là một thực tế không thể tránh khỏi".

Là một tổ chức, Alcor đã từng rất do dự trong việc quảng bá hình ảnh của mình, Drake nói. "Tôi nghĩ hội đồng quản trị rất sợ chúng tôi đi theo hướng cố 'bán' sự bất tử. Nhưng phương tiện truyền thông xã hội vẫn sẽ phát triển dù có hay không có sự tham gia của chúng tôi". Và đó là kênh thông tin mang về cho Alcor những khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.

Ở Châu Âu, những nhóm người biết đến Alcor đã bắt đầu thành lập các câu lạc bộ. Cha mẹ của những đứa bé đăng ký hội viên cho con mình ngay cả khi chúng còn đang khỏe mạnh.

"Thành viên nhỏ tuổi nhất của chúng tôi là một đứa bé 3 tháng tuổi", Klima nói. "Gia đình đã đăng ký cho bé". Quá trình này là hợp pháp, Drake nói, khi các bậc phụ huynh chứng minh được quyền giám hộ hợp pháp cho trẻ vị thành niên theo luật Mỹ. "Cha mẹ có thể đưa ra quyết định cho đứa trẻ trong khi chúng vẫn còn là trẻ vị thành niên. Đứa trẻ có thể từ chối nếu chúng đưa ra lựa chọn sau này của mình".

Trong khi đó, Matheryn là thành viên trẻ tuổi nhất từ ​​trước đến nay của Alcor và cũng là bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ của tổ chức này điều trị tại Châu Á. Sự thành công của trường hợp này sẽ mở ra nhiều cánh cửa nối liền hai châu lục.

"Alcor mang đến một cơ hội cho Einz sống lại khi công nghệ bắt kịp căn bệnh của con bé", cha của Matheryn nói. Gia đình cô bé biết ơn Alcor, mặc dù họ không phải là những người duy tâm.

Cả bố và mẹ cô bé đầu là những tiến sĩ, và bài học mà họ rút ra được từ cuộc chiến với căn bệnh ung thư của con gái mình là: Vẫn còn đó một biên giới rộng lớn trong y học cần được nối liền.

Cuộc sống của Matheryn được bắt đầu từ cái nôi của khoa học hiện đại. Cô bé được một người phụ nữ khác mang thai hộ sau khi người mẹ phải cắt bỏ tử cung từ lần sinh đầu tiên.

"Điều trị ung thư cần phải được cải thiện", Sahatorn nói. "Các phương pháp thông thường không thể điều trị u nguyên bào và nhiều loại ung thư khác. Chúng ta cần nghiên cứu thêm về các căn bệnh ung thư di truyền. Nếu không có nghiên cứu, sẽ chẳng có gì thay đổi".

Vì vậy, cha mẹ của Matheryn sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến ​​nghiên cứu ung thư trẻ em, chương trình mà họ đã xây dựng dưới sự quản lý bởi Quỹ Rama.

Một phần lý do họ chuyển những tia hi vọng le lói sang Alcor là để tiếp tục thúc đẩy các tiến bộ y tế như vậy. "Họ không muốn cuộc sống của con gái mình kết thúc trong vô vọng", Drake nói. "Bằng cách bảo tồn các tế bào mô của căn bệnh ung thư đặc biệt này, họ hi vọng có thể đưa ra một kế hoạch điều trị tốt hơn và thậm chí chữa khỏi nó".

Và đó là thực tế, người nhà Naovaratpong sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu với căn bệnh của con gái mình. "Chúng ta đã sử dụng các phương pháp điều trị ung thư thông thường trong hơn 50 năm nay", Sahatorn nói. "Nhưng thực tế dường như vẫn vô vọng".

Dĩ nhiên, Alcor lúc này cũng mới chỉ là hy vọng. Chúng ta không rõ liệu khoa học có bao giờ phát hiện ra một cách hồi sinh lại những cơ thể đã bị hư hỏng, đang được bảo quản trong những ngăn đông của họ hay không.

James Lovelock có thể đã đánh thức những con chuột đông lạnh, nhưng điều đó khác xa với việc trẻ hóa toàn bộ một con người đã đóng băng sau nhiều thập kỷ. Đó là một hy vọng mong manh vào lúc này, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong tương lai.

"Rõ ràng, chúng ta vẫn cần tìm ra cách chữa trị ung thư", Drake nói về trường hợp của cô bé Matheryn. "Sau đó, chúng tôi nghĩ rằng bạn cần có được khả năng tái tạo một cơ thể mới. Về mặt thuật ngữ, đó là quá trình nhân bản ra một cơ thể [từ những mô cũ đang được bảo quản của thi thể]".

Drake dẫn ra những tiến bộ trong lĩnh vực in 3D sinh học, những công nghệ đã cho phép chúng ta tạo ra một số mô, cơ quan thậm chí một tiểu não bộ nhân tạo.

"Chúng tôi biết rằng chúng ta đã có thể tái tạo một cơ quan nhỏ và phát triển một trái tim mới", anh nói. "Chúng tôi biết rằng chúng ta có thể in các tế bào thậm chí hẳn một trái tim 3D. Vì vậy, ý tưởng là chúng ta cần tái tạo lại toàn bộ cơ thể của cô bé, hoặc ít nhất là các cơ quan riêng lẻ và ghép tất cả lại với nhau. Sau đó, chúng ta cần ghép bộ não gốc đang được bảo quản vào một thân hình mới".

Nhưng Drake cũng thừa nhận rằng toàn bộ những ý tưởng của Alcor có thể không bao giờ trở thành hiện thực được. Tại trung tâm Arizona, Matheryn đang là người trẻ nhất được bảo quản lạnh.

Làm thế nào để hồi sinh một cơ thể con người đã chết? Ngay cả Giám đốc điều hành của Alcor cũng không biết. Matheryn cùng với hàng trăm xác chết đóng băng, hàng ngàn người thân của họ vẫn còn đang sống cũng không biết. Tất cả đơn thuần chỉ đang đặt niềm tin vào khoa học, một khoa học của tương lai chứ không phải ở thời điểm này.

"Ít nhất, chúng tôi đã cống hiến cả cuộc đời và cơ thể con bé cho sự tiến bộ và phát triển của khoa học", Nareerat, mẹ của Matheryn, nói. "Đây cũng là một niềm an ủi cho gia đình chúng tôi, chúng tôi vẫn tin con bé còn sống hoặc ít ra là có thể sống dù thế giới của chúng tôi đã tách biệt".

Mặc dù vậy, nếu những ý tưởng của Alcor được hiện thực hóa, một ngày nào đó khi con người có khả năng hồi sinh được người chết, ít nhất Matheryn sẽ không cô đơn. Cha mẹ cô bé cũng đã cam kết trở thành hội viên của Alcor. Biết đâu sau này, cả gia đình họ lại có thể đoàn tụ với nhau, để sống tiếp một cuộc đời trọn vẹn hơn ở một tương lai tốt đẹp hơn.

Cập nhật: 30/03/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video