Sau 55 ngày bay trên Nam Cực, khí cầu khoa học khổng lồ Super-TIGER của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phá kỷ lục về chuyến bay dài nhất và mang trở lại vô số dữ liệu giá trị.
NASA cho biết khí cầu Super-TIGER đã có tổng cộng 55 ngày 1 giờ và 34 phút bay trên không ở độ cao 38.710m, nhiều hơn 1 ngày so với kỷ lục trước được lập ra hồi năm 2009.
Khí cầu đã thu thập dữ liệu về các tia vũ trụ năng lượng cao đã đâm xuống Trái đất từ dải thiên hà. Tiến trình này gồm việc sử dụng công cụ mới nhằm đo đếm các nguyên tố hiếm nặng hơn sắt trong các tia phóng xạ.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem những nguyên tử năng lượng cao này tới từ đâu và vì sao chúng lại tích điện mạnh tới vậy.
"Đây là một chuyến bay rất thành công vì thời gian bay dài cho phép chúng tôi phát hiện một lượng lớn tia vũ trụ" - nhà điều tra chính Bob Binns nói.
NASA cho biết họ sẽ phải mất hai năm để phân tích đầy đủ dữ liệu.
Chuyến bay dài của khí cầu được hỗ trợ bởi gió Nam Cực. Cơn gió này di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, từ Đông sang Tây, tại khu vực tầng bình lưu nằm cách mặt đất khoảng vài cây số.
Hiện tượng này, cộng với việc Nam Cực thưa thớt dân cư và lạnh giá đã khiến chuyến bay dài ngày của khí cầu trở nên thực hiện được.
"Khí cầu khoa học mang tới khả năng thu thập dữ liệu khoa học trong thời gian rất dài với chi phí khá rẻ" - Vernon Jones, một khoa học gia của NASA cho biết.