Lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới sự trỗi dậy của "siêu vi trùng" kháng thuốc (các vi khuẩn không thể kiểm soát được ngay cả với việc dùng kết hợp nhiều loại thuốc đặc trị khác nhau), một vấn đề nguy hiểm tiềm tàng nguy cơ chết người.
Những thời điểm không nên uống thuốc kháng sinh
Dù biết rõ thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được virus và nguy cơ lạm dụng chúng, nhưng không ít bác sĩ vẫn thường xuyên kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân khi chúng không cần thiết, theo một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức Consumer Reports.
Nhiều tổ chức y tế lớn, kể cả Hiệp hội bác sĩ gia đình Mỹ và Hiệp hội bác sĩ nhi khoa Mỹ, gần đây đã cố gắng hiệu chỉnh việc lạm dụng kháng sinh bằng cách đưa ra khuyến cáo về thời điểm nên và không nên dùng các loại thuốc này với một số trường hợp bệnh. Một lưu ý chung của họ là, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chữa các bệnh do vi khuẩn gây ra và vô tác dụng trong các trường hợp bệnh do nhiễm virus.
1. Nhiễm trùng tai
Khi không cần dùng thuốc kháng sinh: Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tai đều tự cải thiện mà không cần dùng thuốc, đặc biệt ở trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn. Hãy đợi 2 - 3 ngày để xem liệu các triệu chứng có giảm bớt hay không.
Khi cần dùng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh cần dùng ngay lập tức cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống bị đau tai, trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi với các triệu chứng đau tai từ nhẹ tới nặng và trẻ từ 2 tuổi trở lên với các triệu chứng nghiêm trọng.
Lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới sự trỗi dậy của các siêu vi trùng kháng thuốc nguy hiểm. (Ảnh minh họa: Health News).
2. Eczema (Chàm bội nhiễm)
Khi không cần dùng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh không giúp xoa dịu hầu hết các nguyên nhân gây ngứa và đỏ da. Thay vào đó, hãy dưỡng ẩm cho da hoặc thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kê dùng một loại kem hoặc thuốc mỡ điều trị.
Khi cần dùng thuốc kháng sinh: Bạn sẽ cần phải dùng thuốc kháng sinh nếu có các triệu chứng nhiễm khuẩn, chẳng hạn như sưng u hoặc mụn mủ, da rất đỏ hoặc ấm nóng, da có lớp vảy cứng màu mật ong và sốt.
3. Nhiễm trùng mắt
Khi không cần dùng thuốc kháng sinh: Các bác sĩ thường kê thuốc nhỏ mắt kháng sinh prophylactic sau khi điều trị các bệnh mắt, chẳng hạn như chứng thoái hóa điểm đen, cùng với thuốc tiêm. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt kháng sinh hiếm khi cần thiết sau những quá trình điều trị như vậy và có thể gây kích ứng cho đôi mắt của bạn.
Khi cần dùng thuốc kháng sinh: Nếu bạn bị nhiễm khuẩn mắt, biểu hiện qua việc đỏ, sưng phồng, chảy nước mắt, có mủ và sút kém thị lực, bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh điều trị.
4. Nhiễm trùng đường hô hấp
Khi không cần dùng thuốc kháng sinh: Cảm lạnh, cảm cúm và hầu hết các trường hợp ho cũng như viêm phế quản là do virus gây ra và không cần chữa bằng kháng sinh. Chứng viêm họng cấp tính là do vi khuẩn, nhưng chỉ chiếm khoảng 1/3 số trường hợp viêm đường hô hấp ở trẻ em. Nếu bạn nghi ngờ viêm họng, hãy đến bác sĩ yêu cầu xét nghiệm kiểm tra để chắc chắn.
Khi cần dùng thuốc kháng sinh: Bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh nếu các cơn ho kéo dài hơn 14 ngày hoặc kết quả kiểm tra viêm họng là dương tính.
Không được dùng thuốc kháng sinh cho các trường hợp bệnh do virus gây ra. (Ảnh minh họa: CCTV).
5. Nhiễm trùng xoang
Khi không cần dùng thuốc kháng sinh: Bệnh viêm xoang thường do virus gây ra. Các trường hợp viêm xoang do vi khuẩn thường tự hết trong một tuần hoặc hơn dù không được chữa trị.
Khi cần dùng thuốc kháng sinh: Nếu các triệu chứng viêm xoang nghiêm trọng, không cải thiện sau 10 ngày hoặc khá hơn rồi lại trầm trọng hơn, đây là lúc bạn cần dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
6. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi không cần dùng thuốc kháng sinh: Đối với các bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt là những người phải điều trị nội trú dài ngày, các bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh khi kết quả xét nghiệm định kỳ phát hiện vi khuẩn trong nước tiểu. Tuy nhiên, nếu các bệnh nhân không bộc lộ triệu chứng, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích.
Khi cần dùng thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc kháng sinh là điều không thể tránh khỏi nếu bạn có các triệu chứng nóng rát trong khi tiểu tiện và có nhu cầu tiểu tiện quá thường xuyên.