Trên một đỉnh núi đầy sương mù trên đảo Sulawesi của Indonesia, các nhà khoa học đã phát hiện một trong những loài linh trưởng nhỏ và hiếm nhất trên hành tinh, khỉ lùn Tarsier .
Khỉ lùn Tarsier có kích thước tương đương chén uống trà. Ảnh: Livescience. |
Với trọng lượng khoảng 60 gram, khỉ lùn Tarsier (tên đầy đủ là Tarsius pumilus) chỉ nhỏ như chuột và có đôi mắt lớn. Chúng có lớp lông dày để giữ ấm trong môi trường lạnh và ẩm ướt. Thay vì có móng tay, móng chân như các loài linh trưởng khác, khỉ lùn sở hữu những vuốt cong để bám vào những thân cây phủ đầy rêu.
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy một con Tarsier còn sống đã xảy ra vào năm 1921. Nhiều năm sau đó không ai nhìn thấy chúng nữa và các nhà khoa học cho rằng khỉ Tarsier đã tuyệt chủng. Thế rồi vào năm 2000, hai nhà khoa học Indonesia vô tình giết chết một con Tarsier trong lúc bẫy chuột ở núi Rore Katimbo trong công viên quốc gia Lore Lindu, đảo Sulawesi. Nhưng nhiều chuyên gia không tin rằng khỉ Tarsier còn tồn tại.
Vì thế, Sharon Gursky-Doyen, một giáo sư sinh học thuộc Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Texas (Mỹ) cùng một sinh viên tên Nanda Grow tới đảo Sulawesi để tìm kiếm khỉ lùn Tarsier. Họ thuê vài người dân địa phương dẫn đường. Vào mùa hè năm ngoái, nhóm tìm kiếm bẫy được ba con Tarsier (một con cái và hai con đực). Họ đeo đai gắn thiết bị phát tín hiệu vào cổ chúng để theo dõi. Do khỉ lùn có thể xoay đầu theo một góc 180 độ, đeo đai vào cổ chúng không phải là việc dễ dàng.
“Tôi có vinh dự là người duy nhất trên thế giới bị một con tarsier cắn”, Sharon phát biểu.
Tarsier là động vật có vú kỳ lạ nhất trong bộ linh trưởng (trong đó có vượn cáo và người). Chúng kiếm ăn vào ban đêm và chỉ sinh sống trên một số đảo ở châu Á.