Khó sản xuất huyết thanh thử nghiệm ZMapp kháng virus Ebola

Loại huyết thanh ZMapp kháng virus Ebola được dùng thử nghiệm cho hai bệnh nhân người Mỹ đầu tiên là bác sỹ Kent Brantly và Nancy Writebol rất khó để sản xuất trên quy mô lớn.

Đây là nhận định của giới chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ.

Được biết đến dưới cái tên ZMapp, loại huyết thanh gồm ba kháng thể này được điều chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gene, vốn phải mất nhiều tuần để phát triển.

Ba lọ huyết thanh ZMapp đã được gửi gấp đến Liberia để điều trị cho hai bác sỹ nhiễm bệnh nói trên khi họ đang thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola tại nước này.

Đáng ngạc nhiên, sức khỏe của cả hai bác sỹ đều cải thiện rõ rệt và hiện đang được điều trị cách ly tại một bệnh viện ở Atlanta (Georgia).


Người dân Liberia đọc thông báo về dịch bệnh Ebola tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Monrovia ngày 31/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cho biết các dữ liệu thu được từ thử nghiệm ZMapp trên động vật nhiễm Ebola là rất tốt và việc sử dụng loại huyết thanh này ở hai bệnh nhân trên đã mở ra hy vọng tích cực về khả năng ZMapp có thể kháng virus Ebola.

Tuy nhiên, ông Fauci nhấn mạnh rằng hiện giới chuyên gia y tế chưa thể khẳng định rằng loại thuốc thử nghiệm trên “đặc biệt hứa hẹn” với việc kháng virus Ebola.

Ngoài ra, thuốc mới được thử nghiệm chỉ trên hai bệnh nhân nên lại phải rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc dùng thuốc trong điều trị bệnh.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ loại thuốc hoặc vắcxin nào trên thị trường thế giới có thể kháng hiệu quả virus Ebola gây sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, suy hô hấp và đôi khi gây xuất huyết này.

Hồi tháng Một, huyết thanh ZMapp lần đầu tiên được xác định là “ứng cử viên tiềm năng nhất” có thể kháng lại Ebola, song vẫn chưa có được những thử nghiệm an toàn trên người.

Hiện việc điều chế loại huyết thanh này rất khó khăn và các chuyên gia y tế đang nỗ lực để mở rộng quy mô sản xuất thuốc càng sớm càng tốt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát hồi tháng Hai vừa qua tại Tây Phi, đến nay virus Ebola đã khiến 887 người tử vong.

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại khu vực này do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế.

Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video