Cà phê là một thứ đồ uống rất được ưa chuộng vào buổi sáng vì chất kích thích caffeine luôn giúp con người cảm thấy tỉnh táo vào sảng khoái.
Mặc dù vậy, không ít người rất ngại sử dụng cà phê vì họ cho rằng nó khiến tim của họ đập nhanh hơn và tạo cảm giác bồn chồn. Thực tế, các nhà khoa học của đại học California đã chứng minh được rằng uống 1 tách cà phê đặc vào buổi sáng không những không hề gây ra tình trạng tim đập nhanh hơn mà còn rất tốt cho sức khỏe của bạn.
Cà phê, trà và chocolate rất tốt cho tim mạch chứ không hề có hại như những gì nhiều người nghĩ?
Cụ thể, tác giả của nghiên cứu này - tiến sỹ Gregory Marcus - cho biết: "Những khuyến cáo lâm sàng trước đây thường ngăn cản việc tiêu thụ các sản phẩm chứa caffeine với lý do ngăn ngừa rối loạn nhịp tim của tim nên được xem xét lại. Theo những gì tôi và các đồng nghiệp nghiên cứu, cà phê, trà và chocolate rất tốt cho tim mạch chứ không hề có hại như những gì nhiều người nghĩ".
Trước đây, nhiều bác sỹ được giáo dục rằng các triệu chứng như tim đập nhanh, tim đập bỏ nhịp vốn không có liên quan đến các bệnh tim mạch nguy hiểm như suy tim, rung nhĩ... Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đây là 2 phạm trù liên quan đến nhau và nhiều người tin rằng caffeine chính là thủ phạm của những triệu chứng rối loạn tim mạch như vậy.
Để chứng minh quan điểm này là sai lầm, tiến sỹ Marcus và đồng nghiệp đã tiến hành kiểm tra đối với 1.388 người ở độ tuổi 72. Trong đó, hơn 60% số người được hỏi đều sử dụng caffeine từ những sản phẩm như cà phê, trà và chocolate. Sau đó, các bác sỹ tiến hành tìm kiếm biểu hiện của 2 chứng bệnh tiêu biểu do rối loạn tim gây ra đó là co tâm thất sớm và co thắt tâm nhĩ sớm. Mặc dù vậy, họ không hề phát hiện bất kỳ biểu hiện khác lạ nào của 2 chứng bệnh ví dụ như tăng ectopy hoặc loạn nhịp này cho dù người được kiểm tra tiêu thụ caffeine nhiều đến mức nào đi chăng nữa.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của tiến sỹ Marcus cũng khẳng định uống cà phê rất tốt cho hệ tim mạch với việc những người có thói quen uống cà phê thường xuyên có tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành và giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch gây ra.