Các nhà nghiên cứu Anh khôi phục thành công bản nhạc thất truyền biên soạn cách đây hơn 1.000 năm nhờ tìm thấy trang sách biến mất suốt một thế kỷ.
Theo UPI, Sam Barrett, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge, Anh, nhờ sự giúp đỡ của bộ ba nhạc sĩ cổ điển để khôi phục thành công nhiều bài hát có từ thời Trung Cổ, một nhiệm vụ tưởng như không thể.
Hàng trăm bài hát tiếng La tinh được ghi chép lại bằng các ký hiệu âm nhạc thời Trung Cổ gọi là "neumes". Phương pháp ghi chép này chỉ làm nổi bật đường nét giai điệu mà không thể hiện chính xác độ cao thấp của nốt nhạc. Để biểu diễn neumes, nhạc sĩ cần phải hiểu biết về cách chơi nhạc truyền khẩu biến mất từ thế kỷ 12.
Một ví dụ về ký hiệu âm nhạc "neumes" thời Trung Cổ. (Ảnh: Ancient Origins).
"Chúng tôi chỉ biết đường nét của giai điệu và cách thể hiện chúng, không phải các nốt nhạc chính xác tạo nên giai điệu", Barrett cho biết.
Sau khi tìm hiểu lý thuyết âm nhạc cổ xưa, Barrett hợp tác với nhóm nhạc Sequentia (gồm ba thành viên) để lên ý tưởng sử dụng nhạc cụ và thể hiện lại các bài hát.
Barrett và Benjamin Bagby, người đồng sáng lập nhóm nhạc Sequentia, khôi phục thành công tác phẩm "Sự an ủi của Triết học", một thiên anh hùng ca được viết bởi nhà triết học La Mã Boethius. Nhóm Sequentia biểu diễn ca khúc trên tại một nhà thờ nhỏ ở Trường cao đẳng Pembroke, Anh, hôm 23/4.
Dự án không thể thành công nếu nhóm nghiên cứu không tìm thấy trang sách thất lạc từ tuyển tập các bài hát bằng tiếng La tinh "Cambridge Songs" biên soạn vào thế kỷ 11. Một học giả người Đức xé trang sách này vào năm 1840 và nó biến mất hơn một thế kỷ. Năm 1982, trang sách bị xé tình cờ được phát hiện trong văn thư lưu trữ của thư viện Frankfurt, Đức.
"Những ký hiệu trên trang sách biến mất giúp chúng tôi hoàn thành khối lượng lớn công việc tái hiện các bài hát, điều mà chúng tôi không thể thực hiện nếu thiếu nó", Barrett chia sẻ.