Tổ tiên loài người đã lần đầu tiên quây quần xung quanh đống lửa cách đây 1 triệu năm, sớm hơn 300.000 năm so với giả thuyết trước đây.
>>> Phát hiện hóa thạch xương người sống trên cây
Homo erectus có thể là người đầu tiên sử dụng lửa
Các chuyên gia Đại học Toronto (Canada) và Đại học Jerusalem Hebrew (Israel) đã tìm thấy dấu vết tro đốt củi và những mẩu xương động vật cháy thành than được bảo quản tốt trong các hang động ở Nam Phi.
Cả tro và xương có vẻ đều được đốt tại chỗ, chứ không phải do gió thổi hoặc bị nước cuốn vào hang, theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Phát hiện cho thấy nghệ thuật tạo lửa có thể bắt đầu từ thời của người đứng thẳng, tên khoa học là Homo erectus, loài người đầu tiên phát triển kỹ năng săn bắn - hái lượm.
Những di vật này được phát hiện tại hang Wonderwerk, khu khảo cổ nổi tiếng gần sa mạc Kalahari, nơi lưu giữ vô số dấu vết của con người cổ đại.
Báo Telegraph dẫn lời Michael Chazan, đồng giám đốc dự án, cho biết: “Kết quả phân tích đã đẩy lùi thời gian loài người dùng lửa thêm 300.000 năm nữa, cho thấy các tổ tiên sơ khai của loài người như Homo erectus có thể đã bắt đầu làm quen với lửa trong đời sống hằng ngày”.