Không thể chết vì thiếu ánh sáng

Tận mắt chứng kiến các ca tử vong trong sản khoa vì thiếu ánh sáng, nữ bác sĩ Laura Stachel không ngừng suy nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh ở những nước nghèo. Và chiếc “vali năng lượng” ra đời, giúp cứu sống nhiều phụ nữ mang thai trên khắp thế giới.

Từ chuyến đi công tác

Trong một lần tới Nigeria công tác hồi năm 2008, tiến sĩ Laurau Stachel đã chứng kiến một cuộc mổ lấy thai khẩn cấp. Những gì tận mắt thấy đã khiến cô choáng váng. “Điện bất ngờ vụt tắt, và tôi hỏi các bác sĩ: chúng ta phải làm thế nào để kết thúc ca mổ này” - cô Stachel nhớ lại. Nhưng thậm chí, cô còn ngạc nhiên hơn bởi không ai có phản ứng gì bởi họ đã quá quen với cảnh mất điện đột ngột trong lúc tiến hành các ca phẫu thuật.

May thay, Stachel có mang theo một chiếc đèn pin và nhờ nó mà các bác sĩ hoàn thành được ca phẫu thuật. Nhưng trong chuyến công tác 2 tuần này, cô đã chứng kiến vô số lần khác khi cuộc sống của bà mẹ và trẻ sơ sinh đối mặt với rủi ro đơn giản chỉ vì điện bị mất đột ngột. Phụ nữ có thai được đưa tới bệnh viện với biến chứng nặng trong đêm, nhưng không đủ ánh sáng để cấp cứu ngay, phải chờ đến… sáng hôm sau, và không ít trường hợp đã tử vong.


Nữ bác sỹ Stachel và chiếc “vali cứu sinh”

“Tôi nhận ra rằng kỹ năng sản khoa của tôi và các bác sĩ khác là hoàn toàn vô hiệu hóa khi không có điện” - Stachel đúc rút. Cô cho biết, trong trường hợp mất điện (xảy ra thường xuyên), các nữ hộ sinh ở Nigeria tận dụng tất cả các nguồn sáng nhân tạo khi họ đỡ đẻ, từ đèn dầu, nến, thậm chí ánh sáng từ điện thoại di động... chúng không đủ ánh sáng cần thiết cho việc xử trí ca thai sản.

Nigeria là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ mang thai tử vong cao nhất thế giới. Năm 2010, gần 40.000 phụ nữ nước này tử vong trong quá trình sinh đẻ, chiếm 14% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO. “Khi chứng kiến điều này, tôi đã không ngừng suy nghĩ phải làm một điều gì đó” - Stachel nói.

Giảm 70% tỷ lệ tử vong

Với sự giúp đỡ của Hal Aronso, chồng cô và cũng là một chuyên gia về năng lượng, Stachel đã bắt tay vào việc tìm kiếm một giải pháp. Ông Hal Aronso đã vẽ bản thiết kế hệ thống điện năng lượng mặt trời để cung cấp nguồn điện miễn phí cho các bệnh viện nhà nước ở miền Bắc Nigeria, nơi Stachel tiến hành các nghiên cứu của mình để mang lại sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi đây.

Trong khi chờ gây quỹ cho dự án này trên quy mô lớn, Stachel trở lại Nigeria với một chiếc “vali năng lượng” để thử nghiệm, giúp mọi người hiểu rõ về công nghệ này cũng như ích lợi mà nó mang lại. Chiếc vali Stachel mang theo mặc dù chỉ để “trình diễn” nhưng các bác sĩ phẫu thuật ở Nigeria đã thấy nó thực sự có ích. “Họ thốt lên: Thật không thể tin được, cô hãy để nó lại đây cho chúng tôi, nó sẽ giúp chúng tôi cứu sống được các bệnh nhân ngay bây giờ” - Stachel kể lại. Và Stachel đã làm vậy, thông tin về chiếc vali “cứu sinh” nhanh chóng lan rộng đến các bệnh viện khác. Mỗi lần Stachel trở lại châu Phi, cô đều mang theo một, hai chiếc “vali năng lượng” mà Hal Aronso vừa “xuất xưởng”.

“Vali năng lượng” gồm 2 tấm năng lượng mặt trời được gắn trên mái nhà của phòng khám và kết nối với bóng đèn LED chất lượng cao. Khi được nạp đầy, ở những vùng đất tràn ngập nắng như ở Phi châu “vali năng lượng” có thể chiếu sáng liên tục 20 giờ. Bộ công cụ này cũng có một chiếc đèn pha, một máy Doppler để theo dõi nhịp tim thai nhi và một chiếc điện thoại.

Trong năm 2009, dự án “We care solar” phi lợi nhuận đã hoàn thành việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời do chính chồng của Stachel thiết kế cho một bệnh viện nhà nước ở Nigeria. Một năm sau, theo báo cáo, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai đã giảm tới 70%, vì các bác sĩ có đủ ánh sáng để cứu chữa cho bệnh nhân, có đủ máu để cấp cứu nhờ có điện cung cấp cho tủ lạnh ngân hàng máu.

Mỗi chiếc vali năng lượng mặt trời có giá 1.500 USD nhưng được cung cấp miễn phí thông qua các quỹ hỗ trợ. Cho đến nay, dự án “We care solar” đã cung cấp gần 400 vali cho các phòng khám, bệnh viện ở 27 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á và Trung Mỹ. “Chúng tôi sẽ không để thêm phụ nữ nào tử vong thì thiếu ánh sáng nữa... Chúng tôi rất hạnh phúc!” - nhân viên y tế Fanny Chathyoka, bệnh viện ở vùng nông thôn Malawi, Nam Phi nói.

Theo ANTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video