Khủng long tình cờ biết bay khi 'tạo dáng'

Một số nhà cổ sinh vật học cho rằng tổ tiên của chim hiện đại thường dang rộng hai chi trước để khoe bộ lông vũ đẹp khi tìm kiếm bạn tình. Sau nhiều thế hệ, dần dần động tác ấy giúp chúng bay được lên không trung. 

Khi dang rộng hai chi trước, khủng long có thể khoe hết bộ lông đẹp của chúng. Ảnh: Telegraph.


Quá trình phát triển khả năng bay của khủng long – được coi là tổ tiên của chim hiện đại – vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới cổ sinh vật học trong nhiều thập kỷ. Một số chuyên gia tin rằng ban đầu khủng long nhảy ra khỏi các cây và lượn xuống đất bằng cách dang rộng hai chi trước. Theo thời gian, quãng đường bay của chúng tăng dần. Tuy nhiên, phần lớn khủng long có hình dạng giống chim đều sống dưới đất, chứ không phải trên cây.

Một số nhà khoa học khác lại cho rằng tổ tiên của chim vỗ hai chi trước để tạo ra lực đẩy hỗ trợ hoạt động leo trèo hoặc chạy trốn kẻ săn mồi. Nhưng một nghiên cứu của Đại học Manchester (Anh) lại chứng minh rằng việc vỗ hai chi trước là hoạt động không hiệu quả và thậm chí làm giảm tốc độ chạy của khủng long. Vì thế, thao tác này sẽ không được giữ lại trong quá trình chọn lọc tự nhiên.

Thay vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng quá trình chọn lọc giới tính đã tạo ra khả năng bay của khủng long. Trong tiến trình chọn lọc giới tính, những đặc điểm được coi là hấp dẫn của khủng long được giữ lại qua nhiều thế hệ.

Tiến sĩ Robert Nudds, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Manchester, khẳng định rằng nghiên cứu của ông và cộng sự cho thấy chọn lựa giới tính đóng một vai trò lớn hơn chúng ta tưởng trong quá trình phát triển khả năng bay của khủng long.

Những động vật di chuyển bằng hai chân hiếm khi dang hoặc vung vẩy hai chi trước vì các động tác đó khiến chúng dễ bị ngã. Con người cũng không thể chạy nhanh và rất dễ ngã khi dang rộng hoặc vung vẩy đôi tay. Nếu một loài động vật nào đó dang và vỗ hai chi trước trong lúc chạy, chắc chắn động tác ấy phải mang đến một lợi ích nào đó. Nếu không, nó sẽ không được duy trì qua nhiều thế hệ.

Những con chim đầu tiên được cho là đã xuất hiện từ cuối kỷ Jura (khoảng 145 triệu năm trước). Người ta tìm thấy nhiều hóa thạch của Archaeopteryx – một loài khủng long có lông vũ. Giới cổ sinh vật học cho rằng đó là loài chuyển tiếp giữa khủng long và chim hiện đại.

Tiến sĩ Nudds sử dụng các mô hình cơ khí sinh học để mô phỏng cách di chuyển của Archaeopteryx và hai loài khủng long có lông vũ khác là Caudipteryx và Protarchaeopteryx. Ông nhận thấy những chiếc cánh ban đầu của ba loài này hầu như không giúp chúng leo trèo hoặc chạy lên dốc tốt hơn, mà thậm chí còn làm giảm tốc độ của chúng.

“Chúng tôi cho rằng những con khủng long có lông vũ vỗ hai chi trước để phô trương vẻ đẹp với những con khác giới. Khi tổ tiên của chim chạy lòng vòng với cặp chi mở rộng, những con khác có thể ngắm nhìn bộ lông đẹp của chúng”, Nudds nói.

Theo VnExpress (Telegraph)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video