Kiến đếm bước chân để tìm đường về nhà

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy kiến sử dụng một máy đo bước sinh học để tìm đường về nhà mà không sợ bị lạc.

Chú kiến đếm bước chân để tìm đường về nhà (Ảnh: Livescience)
Những con kiến sa mạc trên hành trình kiếm ăn sử dụng những đầu mối trên bầu trời để định hướng đường về nhà. Nhưng với rất ít điểm đánh dấu trên khoảng trống bao la, các nhà khoa học băn khoăn không biết vì sao những con côn trùng này luôn chọn đúng đường ngắn nhất và biết đích xác còn phải đi bao xa.

Nghiên cứu mới cho thấy việc đếm bước chân là một phần quan trọng trong chiến lược này.

Qua nhiều năm, các nhà khoa học đã đề ra nhiều giả thuyết về cách kiến tìm đường về nhà.

Một trong số đó là chúng làm giống ong, ghi nhớ các đầu mối hình ảnh, nhưng thí nghiệm cho thấy kiến có thể di chuyển trong bóng tối, và thậm chí khi bị bịt mắt. Một giả thuyết khác bị bác bỏ là bởi kiến bò với tốc độ ổn định, chúng có thể định được khoảng thời gian đi và về. Nghiên cứu khác lại cho thấy một khi kiến tìm được nguồn thức ăn, chúng dạy cho các con khác cách đến chỗ đó.

Khi một chú kiến tìm được nguồn thức ăn, chúng dạy cho các con khác cách đến chỗ đó (Ảnh: Livescience)
Năm 1904, giả thuyết về kỹ thuật đo bước chân của kiến đã được đề ra, nhưng vẫn chưa được kiểm chứng.

Nay các nhà khoa học đã huấn luyện kiến sa mạc, Cataglyphis fortis, để chúng đi một đường thẳng từ tổ tới nơi chứa thức ăn cách đó 914 cm. Nếu tổ hoặc chỗ chứa thức ăn bị di chuyển, những con kiến sẽ biết chuyển hướng và tìm kiếm mục tiêu mới.

Tiếp đến, các nhà nghiên cứu thực hiện một cuộc tiểu phẫu. Họ gắn một bộ phận giống cà kheo cho kiến để kéo dài sải chân của chúng. Họ cũng làm ngắn bước chân của kiến bằng cách cắt ngắn chân chúng đi.

Bằng cách biến đổi sải chân, các nhà nghiên cứu có thể biết được liệu chúng có sử dụng cơ chế giống máy đo đường để đo khoảng cách, hay đếm bước chân bằng một máy đo bước sinh học.

Kết quả là những con kiến có cà kheo vẫn đi đủ số bước chân nhưng do có sải chân dài hơn nên đã vượt qua mục tiêu. Còn những con kiến bị cắt chân lại dừng lại trước mục tiêu.

Sau khi làm quen với chân mới, những con kiến lại có thể điều chỉnh máy đo bước của mình và tiến về nhà chính xác hơn. Điều này chứng tỏ kiến đếm bước chân để xác định đường đi.

M.T.

Theo Livescience, Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video