Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, kim cương có lẽ không hiếm như chúng ta tưởng, mà tồn tại phổ biến ở sâu dưới lòng đất.
Kim cương có thể còn rất nhiều và sâu trong lòng đất
Theo UPI, nghiên cứu trên do các nhà khoa học ở đại học John Hopkins, Mỹ, công bố trên tạp chí Nature hôm qua. Lâu nay, giới khoa học vẫn cho rằng, kim cương hình thành qua hai cách, oxy hóa khí mêtan hoặc khử CO2 trong dòng dung nham hay chất lỏng sâu dưới lòng đất. Cả hai đều đòi hỏi điều kiện đặc biệt của địa hóa học, làm cho kim cương trở nên quý hiếm và giá trị.
Tuy nhiên, theo các nhà địa hóa học ở đại học John Hopkins, còn cách khác dễ dàng, đơn giản và bình thường hơn để tạo ra kim cương. Sử dụng mô hình hóa học, họ chứng minh được kim cương có thể hình thành khi nước tăng dần tính axit trong quá trình chảy qua các lớp đá khác nhau của Trái Đất.
Ekati, mỏ khai thác kim cương lâu đời nhất Canada. (Ảnh: Mining).
"Càng tìm hiểu, con người càng phát hiện kim cương hình thành trong nhiều loại đá khác nhau", Dimitri A. Sverjensky, nhà địa hóa học, Đại học John Hopkins, tác giả của nghiên cứu cho biết. "Tôi cho rằng, ai cũng phải thừa nhận, ngày càng nhiều môi trường hình thành kim cương được phát hiện".
Tuy nhiên, theo Sverjensky, kim cương hình thành theo cách đơn giản không có nghĩa là chúng ta có thể sản xuất hàng loạt theo cách này rồi đem ra chợ bán.
Cách hình thành mới yêu cầu các điều kiện về áp suất và nhiệt độ rất cao, khoảng 900 đến hơn 1.000 độ C, điều kiện chỉ xảy ra ở lớp vỏ sâu trong lòng Trái Đất. Chúng chỉ bị đẩy lên mặt đất bởi dung nham núi lửa. Hơn nữa, kích thước chúng rất nhỏ, cỡ micron (một phần triệu mét), không thể quan sát bằng mắt thường, chỉ có thể quan sát qua kính hiển vi. Do đó, không thể khai thác kim cương hình thành theo cách này.
Nghiên cứu của Sverjensky có ý nghĩa giúp giới khoa học có thêm hiểu biết về các dòng chảy động lực học sâu trong lòng Trái Đất, các dòng chảy chậm, một phần chưa được tìm hiểu nhiều của chu trình carbon, chu trình của sự sống trên Trái Đất.