Người dân Béclin không thể tin vào mắt mình, khi ông giáo nghỉ hưu Wilhelm von Osten cho họ xem màn trình diễn của chú ngựa Hans: 5 cộng 7 bằng bao nhiêu? ông giáo ra phép tính, con ngựa đập 12 cái xuống đất. Ông hỏi tiếp: Nếu ngày mồng tám tháng này là thứ ba, thứ sáu sẽ là ngày bao nhiêu?, Hans vung chân đập 11 cái xuống đất.
Ngựa biết tính toán? Đa số nhân chứng có mặt nghi ngờ, cho dù Osten thề rằng, đó không phải trò ảo thuật. Vậy nên không khó ngạc nhiên khi đầu thế kỷ XX đã có hàng trăm chuyên gia sinh học từ nhiều quốc gia tề tựu đến Béclin để tận mắt chiêm ngưỡng con ngựa kỳ lạ. Không ai phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo...
Tính toán để... tồn tại
Như vậy, liệu tính toán có phải là năng lực duy nhất của con người? Thời gian gần đây các nhà khoa học đã tìm được khá nhiều chứng cứ cho phép khẳng định rằng, động vật cũng có khả năng tính toán. Khỉ biết làm hai phép tính (cộng và trừ), chim biết đếm và thậm chí đến kỳ nhông cũng hiểu rằng, ba lớn hơn hai.
Claudia Uller, giáo sư chuyên ngành khoa học thiên nhiên thuộc Đại học Essex (vương quốc Anh) khẳng định rằng, nếu đủ kiên nhẫn, chúng ta hoàn toàn có khả năng dạy cho tinh tinh, chuột bạch và bồ câu làm chủ hai phép tính với hai chữ số. Làm sao chúng có được khả năng như vậy? Rất đơn giản - theo GS.Uller: Để tồn tại, những con vật đó buộc phải biết đánh giá, trên cây có bao nhiêu quả hoặc hiện xung quanh có bao nhiêu kẻ thù đang rình rập.
Kết quả những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ít nhất cũng hấp dẫn như phương pháp mà họ thực hiện. Để chứng minh khỉ có khả năng tính toán thế nào, GS.Uller đã sử dụng kinh nghiệm mà trước đó đã áp dụng với trẻ em. Trước mắt tinh tinh, bà giấu lần lượt các đồ vật dưới tán ô lớn. Đó là những gói Froot Loops sản phẩm của hãng Kellogg - bỏng lúa mạch với hương vị chanh, anh đào và cam - món ăn khoái khẩu của khỉ.
Sau đó chiếc ô bị xếp lại và chờ đợi phản ứng của khỉ. Điều gì đã xảy ra? Lũ khỉ sững sờ, trường hợp những gì nhìn thấy không đúng với tính toán của chúng. Nếu như - thí dụ, dưới tán ô chỉ có 1 gói bỏng - thay vì hai gói đã chứng kiến - khỉ sẽ trố mắt nhìn lâu hơn, trường hợp đúng như dự doán, tức dưới ô có hai gói. Đồng thời chúng cũng ngạc nhiên, trường hợp chứng kiến ba gói - thay vì hai.
GS.Claudia Uller cũng muốn xác định, những loài động vật khác ngoài khỉ liệu có khả năng tính toán? Bà đã chọn kỳ nhông, một trong những loài động vật đã sống trên trái đất nhiều triệu năm trước con người để làm thí nghiệm. Bà đặt trước kỳ nhông hai ống nhựa lớn, ống thứ nhất nhốt hai con ốc; ống thứ hai - ba con. Đa số tuyệt đối kỳ nhông lao vào ống có nhiều ốc hơn.
Thí nghiệm tương tự được lặp lại với ống chỉ có một và ống có hai con ốc - kỳ nhông bao giờ cũng chọn ống thứ hai. Thế nhưng khi Uller gia tăng số lượng ốc lên ba và bốn con, hoặc cho thêm nhiều hơn, kỳ nhông bắt đầu mất phương hướng. Rõ ràng, thực tế bốn con ốc nhiều hơn ba con đã vượt ra khỏi khả năng tính toán của kỳ nhông.
Thay lời kết
Kết quả thí nghiệm đã mô tả chứng tỏ: Từ khá lâu, động vật cấp thấp đã có năng lực toán học sơ đẳng. Có điều, chỉ giới hạn trong phạm vi vài con số đơn giản.
Nhà khoa học Đức khẳng định rằng, não bộ của trẻ nhỏ hoạt động trên nguyên tắc tương tự. Mãi đến năm 2-3 tuổi, khi trẻ đã nói thạo, trẻ mới bắt đầu học tính toán chính xác. Từ thực tế đó, có thể rút ra kết luận: Chìa khóa mở năng lực toán học của con người dường như có mối quan hệ mật thiết với ngôn ngữ.