Kỹ sư tên lửa: "Nỏ thần" An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container?

Đầu tháng 12 vừa qua, kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh đã gửi tờ khai đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) để đăng ký phát minh sáng chế mang tên: “Nỏ bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ”. 

Bản thân anh Thanh cho rằng: rất có thể cách vận hành của chiếc nỏ này tương tự chiếc nỏ thần trong truyền thuyết của An Dương Vương. 

"Trước đây nhiều người nghĩ chi tiết "Nỏ Thần có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên và bách phát bách trúng" là hư cấu, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy đây là việc hoàn toàn có khả năng xảy ra. Chiếc Nỏ thần thể hiện cho sự thông minh, sáng tạo của người Việt và đó là minh chứng cho sự phát triển trong sản xuất, chế tạo vũ khí bảo vệ quốc gia, dân tộc", anh Thanh chia sẻ.


Anh Thanh và sản phẩm nỏ bắn nhiều tên.

Kỹ sư tên lửa mê giải thích những vũ khí trong sử sách

Anh Vũ Đình Thanh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự của Tiệp Khắc cuối những năm 1980. Anh từng có bằng sáng chế về cánh tên lửa của Cộng hòa Cezch khi còn công tác tại một viện nghiên cứu kỹ thuật tên lửa của quốc gia này. Hiện nay anh đang làm việc tại một tập đoàn nghiên cứu, phát triển tên lửa hàng đầu thế giới.

Làm việc trong môi trường khoa học kỹ thuật tiên tiến tại nhiều quốc gia phát triển, nhưng anh Thanh rất quan tâm đến việc nghiên cứu về các loại vũ khí từng xuất hiện trong sử sách, văn học Việt Nam.


Anh Thanh đang thử nghiệm nỏ bắn nhiều tên.

"Cách đây khoảng 3 tháng, tôi có nghiên cứu và viết bài về nguyên lý: vua Quang Trung phát hiện Phốt-pho và dùng nó để chống quân Thanh. Tình cờ một người bạn trong quân đội có nói rằng, tôi đã tìm hiểu về cách chống giặc của vua Quang Trung thì hãy thử đi tìm lời lý giải về cây nỏ thần của An Dương Vương xem sao. Từ lời gợi ý đó mà tôi lại tìm đọc lịch sử, về Việt Nam thăm bảo tàng và nghiên cứu để giải thích về chiếc nỏ bách phát bách trúng", anh Vũ Đình Thanh chia sẻ.


Anh Thanh cho rằng, chiếc nỏ có kết cấu khá đơn giản, dễ dàng tháo lắp. Các nguyên liệu tạo nên nó cũng không hề khó tìm kiếm. Cánh dây cung được anh tháo dỡ từ một chiếc cung thể thao.


Ống tên và mũi tên là những bộ phận đặc biệt nhất quyết định đến sự khác lạ, hiệu quả của sáng chế này.

Sau khi đến xem những mũi tên đồng Cổ Loa vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. anh Thanh đã đặt thợ làm những mũi tên đồng có kích cỡ, hình dáng tương tự như vậy.

"Lần đầu tiên nhìn thấy mũi tên đồng Cổ Loa tại bảo tàng, tôi vô cùng thắc mắc là tại sao mũi tên lại ngắn như vậy. Mũi tên này chỉ dài từ 8 - 11 cm. Nó khác hoàn toàn tưởng tượng trước đó của tôi về độ dài mũi tên và kích cỡ chiếc nỏ", anh Thanh chia sẻ.

Phát hiện đặc biệt


Mũi tên đồng chỉ dài từ 8 - 11 cm.

"Tôi cứ trăn trở mãi tại sao mũi tên lại ngắn thế. Nếu gắn thêm phần thân nữa thì gắn kiểu gì. Rồi tôi nghĩ đến phương án khác. Đó là việc những mũi tên này có thể được lắp vào một vật gì khác để bắn”, anh Thanh cho biết thêm.

Anh Thanh lại tiếp tục tìm kiếm tư liệu trong những nghiên cứu về nỏ thần trong truyền thuyết. Không lâu sau, anh tìm thấy thông tin mà PGS-TS Lê Đình Sỹ, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN giới thiệu tại hội thảo khoa học Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước cách đây nhiều năm. PGS-TS Lê Đình Sỹ có nhắc tới việc người dân Cổ Loa kể rằng, người ta đã đào được ở chân thành khu vực chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Cổ Loa cũng có tục rước nỏ thần, chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ, trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này có nét tương đồng với ống đồng đào được ở chợ Sa. Chiếc ống có lỗ này được phỏng đoán là ống để lắp tên bắn hàng loạt.

Từ những tư liệu lịch sử và kinh nghiệm của một kỹ sư tên lửa, vũ khí, anh Thanh đã nghĩ đến việc sử dụng một chiếc ống đựng mũi tên.


Anh Thanh đã nghĩ đến việc sử dụng một chiếc ống đựng mũi tên.

"Tôi chế ra một ống đựng mũi tên từ tre. Tôi nghĩ tre, nứa, bầu có thể là nguyên liệu được cha ông ta sử dụng vào thời điểm đó. Một đầu ống tre, tôi chế thêm chiếc nắp vừa lắp khít với ống và đục các lỗ để xếp mũi tên đồng".


Ống đựng mũi tên bằng tre.

“Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để “phanh” ống tre lại, còn 6 mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước. Mũi tên bay ra khỏi ống nỏ tương tự như khi bạn đi xe máy tốc độ nhanh, bạn đâm phải chướng ngại vật khiến xe máy dừng lại còn người ngồi trên xe bay về phía trước. Nghĩa là, các mũi tên bay ra phía trước theo quán tính, lực của dây cung không trực tiếp tác động vào từng mũi tên như cách bắn nỏ hoặc cung thông thường", anh Thanh giải thích.

"Nếu giữ nguyên lý này, các ống tên có thể chứa đến cả trăm mũi tên".


Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn.

Anh Thanh cũng trực tiếp trao đổi với nhiều đồng nghiệp, bạn bè là các chuyên gia vũ khí tại Nga - nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí thế giới.

“Họ rất thích các mũi tên đồng vì hình dáng khí động học khiến mũi tên có thể lao rất tốt. Các cụ đã tính toán được việc sức nặng dồn vào phía trước của mũi tên để nó có thể lao nhanh mạnh. Tôi cũng không thể lý giải nổi tại sao ông cha ta lại thông minh đến vậy", anh Thanh chia sẻ.


Theo anh Thanh, nguyên lý vận hành chiếc nỏ này rất gần với nguyên lý của tên lửa container. Nó là một dạng quả tên lửa to, bên trong chứa những quả tên lửa nhỏ. Khi bay xuống thì quả tên lửa to tách ra, các quả tên lửa nhỏ lại tiếp tục bay tiếp.


Anh Thanh đã tính toán sơ bộ sức tác động của lực mũi tên bắn đi. Theo đó, lực bắn của mũi tên có thể đạt tới rất cao, thậm chí có thể bắn xuyên quả táo, ở cự ly khoảng 500 m. Điều này cũng thích hợp với việc truyền thuyết kể về chuyện nỏ thần có thể gây bất ngờ, sức sát thương lớn.


TS vật lý Nguyễn Văn Khải khi được anh Thanh giới thiệu về sáng chế này, ông nhận xét: "Nguyên lý thực hiện sáng chế không phức tạp nhưng rất thông minh. Tôi đã xem rất nhiều loại nỏ thần của các quốc gia nhưng loại nỏ sử dụng nguyên lý quán tính thì lần đầu tiên tôi thấy".


Anh Thanh hy vọng có thể tặng sáng chế này cho các Bảo tàng để phục vụ việc phục dựng chính xác chiếc nỏ thần trong truyền thuyết.

Cập nhật: 24/12/2019 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video