Bệnh khớp có thể được điều trị bằng 2 phương pháp (tùy theo giai đoạn của bệnh) là nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa được áp dụng cho bệnh ở giai đoạn nhẹ. Bệnh ở giai đoạn vừa và nặng phải điều trị bằng phương pháp ngoại khoa với các cách phù hợp cho từng giai đoạn gồm: nội soi khớp, cắt xương sửa trục và thay khớp gối nhân tạo, trong đó phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo được chỉ định cho trường hợp nặng nhất. Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo đã được áp dụng trên thế giới từ 40 năm qua. Tại Việt Nam, kỹ thuật này được áp dụng từ 5 năm trước và hiện có tại một số các bệnh viện (BV) như BV Pháp - Việt (TP.HCM); BV Việt Đức, BV 108, BV Saint Paul (Hà Nội); Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM...
BS Serge Courtois - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Pháp Việt cho biết: "Phẫu thuật thay khớp gối được đặt ra trong trường hợp bệnh nhân có khớp gối bị tổn thương, do sụn bị mòn hoặc do một bệnh lý thấp khớp phá hủy mặt khớp. Sự ăn mòn có thể trên toàn bộ khớp hoặc chỉ trên một phần của khớp (thường là bên trong), gây ra triệu chứng đau cả khớp gối khi đi và có thể dẫn đến cứng khớp gối. Cả hai triệu chứng này đều gây trở ngại cho hoạt động đi đứng của bệnh nhân. Mục đích của việc thay khớp gối nhân tạo là lấy đi những mặt sụn bị hư và thay thế và một khớp gối nhân tạo".Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 8 người ở độ tuổi từ 18-79 sẽ có 1 người mắc các căn bệnh liên quan đến khớp gối. Các bệnh lý ở khớp gối do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể kể đến béo phì, lao động nặng, khuân vác nặng, rối loạn cơ học của khớp gối (sự lệch trục của chi dưới), lớn tuổi, di truyền... Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng khớp gối bị hỏng do chấn thương trong thể thao, tai nạn giao thông...
Thay khớp gối nhân tạo là một trong những phẫu thuật lớn trong phẫu thuật tạo hình nhằm mang lại chức năng vận động bình thường của cơ thể. Tùy theo tình trạng bệnh, bệnh nhân được áp dụng các phương pháp thay khớp gối phù hợp: thay khớp gối bán phần cho trường hợp tổn thương một phần khớp gối; thay khớp gối toàn phần cho trường hợp hư toàn bộ khớp gối. Loại khớp gối được sử dụng nhiều trước đây là khớp gối bản lề. Từ năm 2000, một loại khớp gối mới được xem là tiên tiến hiện nay - New Wave - đã được sản xuất và ứng dụng tại Pháp.
Theo bác sĩ Phạm Chi Lăng (khoa Chấn thương chỉnh hình BV Pháp - Việt): "New Wave là loại khớp giúp vận động xoay khớp gối tốt nhờ vào mâm chày có đặc tính xoay được. Thêm vào đó, nhờ hệ thống chống di lệch ra sau, loại khớp này giúp bù trừ cho các dây chằng chéo của khớp gối thường đã bị hư hoặc biến đổi cấu trúc trong những trường hợp thoái hóa khớp gối nặng".
Bác sĩ Philippe Coutte - người đã từng thay gần 600 khớp tối New Wave cho 500 bệnh nhân trong quá trình điều trị tại các BV ở Pháp nhận xét: "Các tính năng của New Wave cho đến nay đều tốt. Trong 270 trường hợp mà tôi theo dõi, chỉ có 7 trường hợp xảy ra biến chứng nhẹ. Các bệnh nhân được thay khớp gối bằng New Wave đa số đều vận động gối tốt, việc gấp gối có thể đạt trung bình tới 120 độ. Bệnh nhân sau khi hồi phục không cần nạng, có thể lên xuống cầu thang, có thể chơi và hoạt động thể thao như đạp xe, chơi golf, khiêu vũ nhẹ...".
Mổ thay khớp gối bằng khớp nhân tạo New Wave là một kỹ thuật tiên tiến, giúp bệnh nhân phục hồi gần như bình thường chức năng vận động. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, bệnh nhân phải trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng một cách bài bản, vì việc này sẽ giúp cho khả năng bình phục nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Phương pháp mổ thay khớp gối nhân tạo New Wave hiện đang được ứng dụng tại BV Pháp - Việt.
Lưu ý Theo bác sĩ Courtois, không nên quá lợi dụng việc thay khớp gối khi mức độ đau và biến dạng chưa quá trầm trọng vì tuổi thọ của khớp nhân tạo không phải là vĩnh viễn. Mỗi khớp gối nhân tạo chỉ tồn tại trong vòng 10-15 năm. Để tránh tình trạng thay khớp gối lần hai ở những người trẻ tuổi có nhiều nguy cơ hỏng khớp nhân tạo sớm do hoạt động nhiều và thời gian sống lâu, chỉ nên thay khớp ở tuổi 40 trở lên. Người được mổ thay khớp gối phải là người có sức khỏe tương đối tốt, không có bệnh mãn tính nặng như đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi mãn tính, tăng huyết áp không ổn định, xơ gan... |