Không đơn giản hay bình thường như vô vàn kiểu giấy được sản sinh từ chất liệu truyền thống, giấy mang thương hiệu dừa nước "độc nhất vô nhị" ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) đang trở thành một sản phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Loại giấy có một không hai
Gần nửa năm nay, không gian Vườn Giấy Việt nằm nép mình trên cung đường Lý Thường Kiệt nối dài (TP Hội An) luôn được bao phủ bởi những tán dừa xanh ngắt một màu. Hình ảnh ba người đàn ông ngày này qua tháng nọ cần mẫn chẻ nhỏ từng bẹ dừa, hì hục đun nấu, sau đó đắm đuối bên những khung giấy màu đỏ sắc tía lơ lớ đã trở nên thân thuộc trong mắt người dân phố Hội.
Anh Hà bên những sản phẩm thủ công làm ra từ giấy dừa - (Ảnh: Tam Liên).
Chính hình ảnh lặp đi lặp lại theo chu kì ấy của nhóm bạn Trương Tấn Thọ (Duy Xuyên, Quảng Nam), Lê Thanh Hà (quê Nghệ An) và Trần Quang Thắng (Thừa Thiên – Huế) đã trình làng loại giấy có một không hai trên thế giới.
Kể về quá trình cho ra "lò" chất liệu giấy mang thương hiệu Nipa được sản sinh từ dừa nước, anh Thọ cho hay: "Ba anh em mỗi người một xứ nhưng tình cờ quen biết và kết thân nhau vì chung một niềm đam mê mỹ thuật. Tìm đến đất Hội An lập nghiệp, ban đầu cả ba dự định phát triển con đường hội họa và nuôi ý tưởng sáng tác tranh vẽ trên nền chất liệu hoàn toàn mới. Việc bén duyên với dừa nước cũng hết sức tình cờ khi chúng tôi có dịp tham quan rừng dừa ở Cẩm Thanh và đột nhiên lóe lên sáng kiến tận dụng dừa nước để làm ra giấy".
Anh Thọ và sản phẩm giấy dán trên dải lụa - (Ảnh: Tam Liên).
Nhiều ngày sau đó, Thọ, Hà, Tuấn hầu như "đóng đô" ở vùng dừa nước được mệnh danh là "miền Tây thu nhỏ ở Quảng Nam". Liên tục một tháng trời tẩn mẩn quan sát, nghiên cứu về loài cây bấy lâu nổi tiếng dựng nên những ngôi nhà tranh thuần Việt, cả ba bất ngờ đặt mua số lượng lớn tàu dừa trong sự ngỡ ngàng của bà con rừng dừa nước Bảy Mẫu.
Khi nguồn nguyên liệu chất đống trong vườn và ý tưởng đã được phác họa cụ thể bằng sơ đồ, nhóm bắt đầu công cuộc tìm kiếm thiết bị nhằm "biến hóa" phần thô của tàu dừa thành bột giấy. Lặn lội lùng sục khắp nơi, cuối cùng cả ba cũng đạt được thỏa nguyện. Một chiếc máy nghiền "già nua" sản xuất từ những năm đầu của thế kỉ XX được vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về Hội An. Sau 4 tháng phục chế, cuối cùng máy cũng đáp ứng kì vọng của ba chàng trai sẵn sàng bỏ hết công ăn việc làm ổn định trước đó và đổ dồn tâm huyết cho dự án giấy Nipa.
Không gian trưng bày sản phẩm - (Ảnh: Tam Liên).
Giới thiệu về nguyên lí "nhào nặn" dừa nước thành chất liệu giấy có chất lượng không hề thua kém các loại giấy khác, Thắng (phụ trách kĩ thuật) cho biết: "Bước đầu tiên là đem tàu dừa chẻ nhỏ, ngâm thật sạch trước khi đun nấu. Máy nghiền sẽ đảm đương việc nghiền nhỏ thành bột. Sau đó bột giấy sẽ được pha với nước, rải đều trong một khung lụa. Trải qua các công đoạn trên, ta sẽ thu được những khuôn giấy có màu đỏ sắc tía. Tùy vào mục đích sử dụng, giấy sẽ được thêm chất phụ gia để tạo nên sắc màu khác".
Bột giấy được cho vào trong khung - (Ảnh: Tam Liên).
"Dệt" nên những sản phẩm nghệ thuật
Ai nấy tò mò, thán phục khi thưởng lãm những sản phẩm đậm chất nghệ thuật được "dệt" nên từ giấy dừa. Từ chiếc đèn lồng, hoa đăng nhỏ nhỏ, xinh xinh...cho đến vách ngăn, bảng hiệu, thậm chí tranh, ảnh được in ấn trên nền giấy đóng thành khung lớn, tất cả đều mang dấu ấn của dừa.
Những chiếc đèn lồng làm từ giấy dừa - (Ảnh: Tam Liên).
Những hình ảnh rất riêng của phố cổ Hội An như: chùa Cầu, mắt cửa hay một số hình ảnh đặc trưng của đất nước Việt Nam như trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng...đều trở thành chi tiết hết sức thú vị trong từng sáng tạo nghệ thuật của "bộ ba" làm nên chất liệu giấy từ dừa nước.
"Chúng tôi luôn cố gắng in lồng ghép các chi tiết ấy vào trong giấy và đóng khung trưng bày. Một mặt tạo sự mới lạ, mặt khác những hình ảnh thân quen của đất nước mình sẽ được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Phải mất 6 tháng mày mò suy nghĩ thì nhóm mới triển khai xây dựng các sản phẩm mới lạ này", anh Hà nói.
Hình ảnh phố cổ Hội An in trên nền giấy dừa - (Ảnh: Tam Liên).
Hiện, các sản phẩm thủ công được làm từ giấy dừa của nhóm đã chính thức được bày bán và là mặt hàng lưu niệm vô cùng ý nghĩa dành cho lữ khách phương xa mỗi khi đặt chân đến tham quan phố cổ Hội An.
Tranh, ảnh được in trên nền giấy dừa - (Ảnh: Tam Liên).
Chia sẻ dự định đẩy mạnh sự phát triển của giấy dừa và sản phẩm nghệ thuật làm ra từ giấy, cả ba hy vọng: "Quy mô sản xuất các mặt hàng từ giấy dừa vẫn còn nhỏ, trong khi đơn đặt hàng từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...ngày một lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động, song song với việc sáng tạo đa dạng mẫu mã sản phẩm nhằm mục đích đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng trong thời gian đến".