Lần đầu tiên phát hiện cóc giao phối khác loài

Cóc cái có thể chủ động giao phối với cóc đực thuộc loài khác nếu điều đó mang lại cơ hội thích nghi tốt hơn, nghiên cứu mới cho biết.

"Khoảng 25% thực vật và 10% động vật được cho là có khả năng lai tạo. Tuy nhiên, những tiến bộ về công nghệ gene trong những năm gần đây đang cho thấy hiện tượng lai giống phổ biến hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ", Catherine Chen, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học North Carolina, Mỹ cho biết. "Một số dường như có xu hướng giao phối khác loài để tăng khả năng thích nghi".


Hiện tượng lai giống được quan sát thấy ở cóc Spea bombifrons và Spea multiplicata (bên phải). (Ảnh: Science).

Theo báo cáo trên tạp chí Science hôm 20/3, các nhà khoa học đã phát hiện những con cóc chân thuổng đồng bằng cái (Spea bombifrons) chủ động giao phối với cóc chân thuổng New Mexico đực (Spea multiplicata) khi điều kiện khí hậu phù hợp để tạo ra con lai "ưu việt" hơn và có khả năng sinh sản. Điều này trái ngược với hiểu biết thông thường cho rằng lai tạo là hành vi sinh sản không lành mạnh khi thường tạo ra con cái vô sinh và có sức khỏe yếu hơn, như loài la (lai giữa lừa và ngựa).

Trong trường hợp của cóc chân thuổng đồng bằng và New Mexico, con lai của chúng không chỉ có khả năng sinh sản mà còn cho thấy tốc độ phát triển nhanh hơn, đặc điểm có thể là yếu tố quyết định đến cơ hội trưởng thành của chúng, nhất là trong môi trường các ao sa mạc nông có thể khô cạn trước khi nòng nọc kịp phát triển thành cóc.

Nhóm nghiên cứu đã lai giống 20 con cóc chân thuổng đồng bằng cái với 20 con cóc chân thuổng New Mexico đực và theo dõi sự phát triển của nòng nọc. Họ nhận thấy kích thước cơ thể của cóc mẹ dường như quyết định sức khỏe của con non. Còn cóc bố do có nhịp mạch chậm nên cho con lai lớn, nặng và phát triển nhanh hơn.

Để tìm hiểu xu hướng chọn bạn tình của cóc cái, nhóm nghiên cứu đã thiết lập các môi trường khác nhau (nước nông và nước sâu), đồng thời lựa chọn các con đực có nhịp mạch và tiếng gọi bạn tình không giống nhau.

Kết quả cho thấy độ sâu của nước có ảnh hưởng tới quyết định của con cái. Cụ thể, những con sống trong môi trường nước nông có xu hướng thích những con cóc chân thuổng New Mexico đực có nhịp mạnh chậm hơn, trong khi những con sống trong môi trường nước sâu không thực sự bận tâm đến điều này.

Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, tác động của con người cũng có thể góp phần thúc đẩy giao phối chéo ở động vật. Chẳng hạn như việc phát triển các trang trại chăn nuôi đã tạo điều kiện cho các loài có khả năng lai giống gặp nhau, mà trong tự nhiên, môi trường sống của chúng có sự tách biệt, nhóm nghiên cứu cho biết.

Cập nhật: 23/03/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video