Lần đầu tiên phát hiện thứ "tấn công" cả Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa

Hai hành tinh nằm ở 2 phía đối diện của Mặt trời bị ảnh hưởng bức xạ vũ trụ từ cùng một sự kiện.

Vào ngày 28/10, các nhà khoa học đã ghi nhận một vụ phóng vật chất vành nhật hoa lớn xảy ra ở Mặt trời, khi các hạt điện tích từ dải plasma "công phá" những hành tinh trong hệ.


Hình ảnh Mặt trời vào ngày 28/10, tại thời điểm diễn ra phun trào nhật hoa. (Ảnh: SDO/AIA).

Đáng chú ý, đây dường như là sự kiện đầu tiên gây ảnh hưởng cùng lúc tới cả Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa theo ghi nhận.

Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu dựa trên các phép đo được thu thập từ vệ tinh Eu:CROPIS (Trái đất), LRO (Mặt trăng) và ExoMars TGO (sao Hỏa).

Theo đó, vệ tinh quỹ đạo Trái đất Eu:CROPIS đo được bức xạ từ dải plasma là xấp xỉ 10 miligray (PV: Với gray là đơn vị tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ hấp thụ bức xạ ion hóa).

Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng của NASA (LRO) đo được ngưỡng 31 miligray ở quỹ đạo Mặt trăng, và ExoMars TGO đo được 9 miligray từ sao Hỏa.

Mặc dù sự kiện được cho là sẽ gây ra những tác động "không đáng kể" đối với lớp bề mặt Trái đất, song đây là một hiện tượng thú vị dưới góc độ khoa học. Cụ thể, nó đã mang đến góc nhìn độc đáo về tác động của bức xạ vũ trụ từ cùng một sự kiện xảy ra trong Hệ Mặt trời.


Mô phỏng về vụ phóng vật chất vành nhật hoa tại Mặt trời. (Ảnh: NASA).

Theo ghi nhận từ năm 1940, có tổng cộng 73 lần các hạt mang năng lượng cao tới mức chúng có thể "tấn công" Trái đất bằng cách xuyên qua từ trường của hành tinh, và chạm tới bề mặt.

Trong một vài trường hợp cá biệt, hoạt động này đủ sức tạo ra những vụ nổ năng lượng mạnh mẽ, có thể đánh gục các vệ tinh hoặc cơ sở hạ tầng trên Trái đất.

Nghiên cứu từ một nhóm các nhà khoa học của Đại học Boston (Mỹ) và Đại học Thụy Điển thậm chí cho rằng bức xạ từ Mặt trời có thể khiến một số người gia tăng nguy cơ đau tim, dẫn đến tử vong.

Tháng 6 vừa qua, các cơn bão địa từ cũng khiến nhiệt độ bầu khí quyển của Trái đất tăng đột biến, ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Martin Mlynczak, nhà nghiên cứu thuộc sứ mệnh TIMED tại Trung tâm Nghiên cứu của NASA cho biết những cơn bão tích tụ năng lượng trong tầng điện li, rồi khiến nó nóng lên bởi sự gia tăng của mức độ phát xạ hồng ngoại từ oxit nitric và carbon dioxide.

Trong khi đó, do sao Hỏa và Mặt trăng không có từ trường, nên bức xạ vũ trụ thậm chí còn ảnh hưởng ở mức độ lớn hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, việc đo được bức xạ tại những nơi khác nhau trong Hệ Mặt trời mang đến bức tranh về những rủi ro phóng xạ đối với các sứ mệnh thám hiểm không gian.

"Hiểu được những sự kiện này là rất quan trọng đối với các sứ mệnh thám hiểm bề mặt Mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai", Jingnan Guo, nhà khoa học nghiên cứu về sự kiện ngày 28/10, cho biết.

Đồng quan điểm nêu trên, Colin Wilson, nhà khoa học dự án ExoMars TGO, khẳng định: "Bức xạ không gian có thể tạo ra mối nguy hiểm thực sự đối với hoạt động khám phá của chúng ta trên khắp Hệ Mặt trời".

Bởi vậy, việc đo lường các sự kiện bức xạ cấp độ cao bằng vệ tinh và robot là rất quan trọng, nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh phi hành đoàn ngoài không gian.

Cập nhật: 04/08/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video