Lần đầu tiên phát hiện hành tinh quay quanh 3 Mặt trời cùng lúc

  •  
  • 1.558

Lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một hành tinh trong hệ 3 ngôi sao ở cách Trái đất 1.300 năm ánh sáng.

GW Orionis là hệ sao nằm trong chòm sao Orion. Hệ sao này được bao quanh bởi đĩa bụi và khí khổng lồ, đặc điểm phổ biến của những hệ sao trẻ đang hình thành hành tinh. Nhưng điều thú vị là GW Ori có tận 3 thay vì một ngôi sao. Đĩa bụi và khí của GW Orionis được chia thành hai lớp, gần giống vành đai sao Thổ. Vành đai ngoài cùng nghiêng khoảng 38 độ.

 Mô phỏng đĩa bụi và khí bao quanh hệ sao GW Orionis.
Mô phỏng đĩa bụi và khí bao quanh hệ sao GW Orionis. (Ảnh: ESO)

Các nhà khoa học đang tìm cách lý giải điều gì diễn ra ở đó. Một số nhà nghiên cứu nêu giả thuyết khoảng trống ở đĩa bụi và khí là kết quả do có ít nhất một hành tinh hình thành trong hệ. Nếu vậy, đây là hành tinh đầu tiên quay quanh ba ngôi sao cùng lúc.

Sau khi lập mô hình chi tiết hệ sao GW Orionis, một nhóm nghiên cứu quốc tế cho rằng hành tinh khí lớn cỡ sao Mộc là cách giải thích hợp lý nhất cho khoảng trống ở đám mây bụi. Dù không thể quan sát hành tinh, các nhà thiên văn học có thể theo dõi quỹ đạo của nó định hình trong một triệu năm tồn tại đầu tiên.

Trong bài báo công bố trên số tháng 9 của tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, nhóm nghiên cứu bác bỏ giả thuyết lực hấp dẫn của các ngôi sao tạo ra khoảng trống trên đĩa. Bài báo của họ chỉ ra không đĩa khí và bụi không đủ hỗn loạn để thành lập giả thuyết.

Từ lâu, giới thiên văn học đã tìm kiếm hành tinh quay quanh 3 ngôi sao, và tìm thấy bằng chứng tiềm năng ở hệ sao khác là GG Tau A, cách Trái đất khoảng 450 năm ánh sáng. Nhưng khoảng trống ở đĩa bụi và khí của GW Orionis biến hệ sao này thành ví dụ thuyết phục hơn, theo trưởng nhóm nghiên cứu Jeremy Smallwood ở Đại học Nevada, Las Vegas.

Nếu giả thuyết hành tinh được xác nhận, hệ sao GW Orionis sẽ góp phần củng cố kết luận quá trình hình thành hành tinh rất phổ biến. Theo đó, các hành tinh có thể xuất hiện ở mọi nơi, thậm chí trong những hệ sao kỳ lạ nhất.

Cập nhật: 02/10/2021 Theo VnExpress
  • 1.558