Lần đầu tiên trên thế giới: phục hồi cho bệnh nhân sống thực vật

Một tai nạn xe hơi năm 20 tuổi khiến một người đàn ông Pháp phải sống thực vật suốt 15 năm, nhưng anh đang bắt đầu có dấu hiệu tỉnh lại nhờ một phép màu...

Phép màu đó là một thiết bị kích thích dây thần kinh phế vị được các bác sĩ cấy vào ngực của bệnh nhân. Năm nay 35 tuổi, lần đầu tiên sau một thời gian dài người đàn ông bất hạnh có một tia hi vọng phục hồi lại ý thức.

Trường hợp của bệnh nhân người Pháp được mô tả chi tiết trên tạp chí Current Biology ngày 25/9. Các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả này thách thức cách suy nghĩ lâu nay, vốn cho rằng các trường hợp rối loạn ý thức kéo dài hơn 12 tháng là không thể đảo ngược.

Bước đột phá

Bác sĩ - nhà thần kinh học Angela Sirigu là một trong những tác giả của công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology. Bà làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học nhận thức Marc Jeannerod ở thành phố Lyon, Pháp.

Bà Sirigu và các cộng sự quyết định thử nghiệm kỹ thuật kích thích dây thần kinh phế vị (VNS - Vagus Nerve Stimulation) để phục hồi nhận thức cho bệnh nhân người Pháp. Trước đây, phương pháp này chỉ được ứng dụng để giúp các bệnh nhân mắc chứng động kinh và trầm cảm.

Vagus - tiếng Latin có nghĩa là "lang thang" - là dây thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể, chi phối vận động, cảm giác hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng (tim, phổi, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục).

Kỹ thuật VNS được thực hiện như sau: Các bác sĩ cấy một thiết bị vào ngực bệnh nhân và kết nối với thần kinh phế vị bằng một dây truyền dẫn. Tín hiệu điện từ thiết bị chạy theo dây thần kinh này về hành não, chuyển thành các xung lực và đi tiếp đến các khu vực khác của não.

Việc kích thích thần kinh phế vị kích hoạt một cơ chế sinh lý tự nhiên của cơ thể, bà Sirigu giải thích.

Với việc chọn một bệnh nhân sống thực vật trong 15 năm, nhóm nghiên cứu chấp nhận thử thách khó nhất để loại trừ yếu tố "xác suất" trong trường hợp phương pháp thực sự mang lại kết quả.

Và họ đã không thất vọng. Chỉ sau 1 tháng kích thích liên tục, các vùng não điều khiển sự tập trung, cử động... của bệnh nhân đã gia tăng hoạt động rõ rệt.

Ông Nicholas Schiff, nhà thần kinh học thuộc Trung tâm Y khoa Weill Cornell/NewYork-Presbyterian (Mỹ), nhận xét công trình nghiên cứu cho thấy một hướng đi khả dĩ, một kỹ thuật mới và có thể mang lại lợi ích đối với một số bệnh nhân.


Ảnh mô tả hoạt động não của bệnh nhân trước và sau khi áp dụng phương pháp kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) - (Ảnh: CNN).

Tiềm năng lớn của não

"Kết quả trên, cùng với những thông tin chúng tôi hiện đang có, chứng minh rằng não người dù ở trong tình trạng tổn thương nặng vẫn còn tiềm ẩn khả năng lớn hơn những gì chúng ta từng biết - tiến sĩ Schiff giải thích - Một người có thể nằm một chỗ trong nhiều năm nhưng vẫn phản ứng với các loại thuốc, thiết bị và những thứ khác".

Tại Mỹ, người ta ước tính có khoảng 50.000 bệnh nhân đang ở trong trạng thái thực vật, và khoảng 300.000 người khác ở trong trạng thái nhận thức tối thiểu, ông Schiff cho biết.

"Từ lâu, chúng ta đã biết chúng ta có thể làm gì đó cho các trường hợp tổn thương não nặng, tuy nhiên hạ tầng, trang thiết bị chưa theo kịp với khoa học. Cái đang thiếu là nguồn tiền đầu tư cho nghiên cứu" - vị chuyên gia giãi bày.

Bác sĩ James L. Bernat, giáo sư thần kinh học thuộc Trường y Geisel (ĐH Dartmouth), đánh giá báo cáo về bệnh nhân người Pháp là một ca "rất thú vị và gây phấn khích". Ông khen ngợi nhóm nghiên cứu của bà Sirigu vì đã lựa chọn một ca khó để thử nghiệm.

Nhiều loại chấn thương khác nhau có thể gây ra trạng thái thực vật ở người, bao gồm chấn thương não, tổn thương tế bào thần kinh do thiếu oxy và máu trong các ca trụy tim, viêm màng não...

Do đó, bác sĩ Bernat giải thích, cần phải nghiên cứu thêm để tìm hiểu những bệnh nhân nào có cơ hội phục hồi nhờ phương pháp mới.

Ngoài ra, nghiên cứu mới được đánh giá sẽ góp phần làm rõ thêm cơ chế của các căn bệnh thoái hóa thần kinh (như Alzheimer) hoặc chứng suy giảm nhận thức do chấn thương não.

Cập nhật: 29/09/2017 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video