Làn sóng viêm gan bí ẩn khiến hơn 1.000 trẻ mắc đã có lời giải

Nghiên cứu mới cho thấy việc không tiếp xúc hai loại virus phổ biến trong đại dịch Covid-19 có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh nặng do viêm gan bí ẩn.

Theo CNBC News, các nhà khoa học ở Anh vừa công bố kết quả nghiên cứu và khẳng định họ đã tìm ra nguyên nhân có thể gây ra đợt bùng phát viêm gan bí ẩn ở nhiều trước trong thời gian gần đây. Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy hơn 1.000 trẻ em khắp thế giới đã được phát hiện mắc viêm gan cấp tính một cách bất thường. Khoảng 22 trẻ trong số đó đã tử vong.

Đồng nhiễm virus

Phát hiện này do nhóm nghiên cứu từ Đại học College London và Đại học Glasgow thực hiện. Họ cho rằng những hạn chế khi giãn cách xã hội có thể khiến một số trẻ sơ sinh không được trang bị khả năng miễn dịch sớm với cả virus adeno và virus mới liên kết adeno 2 (AAV2).

Điều quan trọng là cả hai nhóm chuyên gia đều không tìm thấy bằng chứng trực tiếp giữa sự gia tăng đột biến ca mắc viêm gan bí ẩn với nhiễm nCoV. Nó chứng minh viêm gan bí ẩn không phải là biến chứng hoặc di chứng của hậu Covid-19.

Từ tháng 1 đến 12/7, hơn 1.000 trẻ em ở 35 quốc gia bất ngờ mắc loại viêm gan cấp tính không xác định. Vương Quốc Anh là nơi đầu tiên lên tiếng cảnh báo về hiện tượng này. Sau đó, Mỹ phát hiện 9 trẻ gặp phải vấn đề tương tự từ tháng 10/2021. Sau vài tháng, căn bệnh này được phát hiện ở nhiều quốc gia, từ châu Âu tới châu Á. 22 trẻ trong số đó đã tử vong.

Ở Anh, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận nhưng 12 trẻ em phải ghép gan. Indonesia và Mỹ là hai nước có thiệt hại về người nhiều nhất. Phần lớn ca nhiễm là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.

Tại thời điểm dịch viêm gan bí ẩn bùng phát mạnh, virus adeno là nghi phạm hàng đầu. Đây là virus thường gây ra cảm lạnh nhẹ hoặc bệnh giống cúm. Loại virus này tìm thấy nhiều nhất trong các mẫu bệnh phẩm của trẻ em mắc bệnh.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia Anh phát hiện một loại virus mới xuất hiện trong 96% ca viêm gan bí ẩn. Đây là virus liên quan đến adeno 2, thường không gây bệnh và không thể tái tạo nếu không có virus “trợ giúp” như adeno hoặc herpes. Virus này được gọi là AAV2.

Bí ẩn được giải đáp

Các nhà nghiên cứu cho biết việc đồng nhiễm hai loại virus - AAV2 và adeno - hoặc ít phổ biến hơn là herpes HHV6 - có thể là lời giải thích tốt nhất cho đợt bùng phát này.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm thấy một yếu tố nguy cơ di truyền có thể xảy ra, với 17/20 trường hợp được nghiên cứu có một gene cụ thể (DRB1 04:01) lớn hơn nhiều so với mức dân số là 16%. Gene này có thể xác định những người nhạy cảm nhất, nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

"Chúng tôi vẫn có một số câu hỏi chưa giải đáp chính xác được như điều gì đã dẫn đến sự gia tăng đột biến của bệnh viêm gan bí ẩn này. Nhưng chúng tôi hy vọng kết quả này có thể trấn an các bậc cha mẹ lo ngại vì Covid-19. Bởi cả hai nhóm tình nguyện viên đều không có thấy bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với việc lây nhiễm SARS-CoV-2", Giáo sư Judith Breuer, Viện Sức khỏe Trẻ em, Đại học College London, cho biết.


Virus adeno là nghi phạm hàng đầu cho làn sóng viêm gan bí ẩn ở giai đoạn đầu. (Ảnh: CDC).

Những phát hiện này bổ sung vào giả thuyết của một số chuyên gia y tế về việc giãn cách xã hội làm giảm khả năng miễn dịch của cộng đồng với một số bệnh thông thường. Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh không có mối liên hệ giữa bệnh viêm gan bí ẩn với vaccine Covid-19.

Hai nghiên cứu được thực hiện độc lập và đồng thời sử dụng các mẫu của Vương Quốc Anh. Giáo sư, tiến sĩ Sofia Morfopoulou, Viện Sức khỏe Trẻ em, Đại học College London, cho biết vẫn cần thêm nghiên cứu để so sánh với các trường hợp viêm gan bí ẩn ở các quốc gia khác.

“Cần có sự hợp tác quốc tế để điều tra và làm sáng tỏ thêm vai trò của AAV2 và virus đồng nhiễm trong bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em", bà nhấn mạnh.

Theo định nghĩa của WHO, các ca mắc viêm gan bí ẩn được xác định là trẻ từ 16 tuổi trở xuống, bị viêm gan cấp tính không do viêm gan siêu vi với huyết thanh >500 IU/L (AST hoặc ALT). Thời gian mắc bệnh từ ngày 1/10/2021 đến nay. Nếu các trường hợp đang chờ xét nghiệm huyết thanh viêm gan A-E nhưng đáp ứng những tiêu chí khác sẽ được phân loại vào nhóm “đang chờ xác minh”.

Trong báo cáo mới công bố, WHO lần đầu đánh giá nguy cơ của dịch viêm gan bí ẩn ở cấp độ toàn cầu là vừa phải.

Để phòng ngừa virus adeno và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác, WHO khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa sau: Vệ sinh tay thường xuyên, sử dụng xà phòng và nước hoặc gel rửa tay có cồn; tránh nơi đông đúc và duy trì khoảng cách với những người khác; đảm bảo thông gió tốt khi ở trong nhà; đeo khẩu trang vừa vặn che miệng và mũi khi được khuyến nghị; che miệng khi ho, hắt hơi; ăn chín uống sôi; thường xuyên khử khuẩn các bề mặt hay chạm tay vào; tự cách ly khi có triệu chứng bất thường và liên hệ ngay với bác sĩ.

Cập nhật: 29/07/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video