Gần chục năm trở lại đây, cuộc sống của hơn 400 hộ sản xuất và kinh doanh ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều. Để đánh đổi cuộc sống vật chất, người dân nơi đây đã phải chung sống suốt bao năm qua với ô nhiễm môi trường, mà nếu nói là ô nhiễm toàn diện cũng không sai, từ ô nhiễm tiếng ồn, đến không khí, nguy hiểm nhất là ô nhiễm nguồn nước.
Tiếng ồn, đến không khí, nguy hiểm nhất là nguồn nước, đều bị ô nhiễm ở làng đá Non nước (Ảnh: VNN) |
20% thợ đá mắc bệnh điếc nghề nghiệp, còn người dân sống chung với tiếng máy khoan, cắt, tiếng đục đá, cưa xẻ... đã trở thành một thói quen dù muốn hay không. Chưa có con số chính xác nào về tác động của tiếng ồn tới sức khoẻ của người dân Non Nước, nhưng tác hại của nó thì đã thấy.
Axit là phụ liệu không thể thiếu để làm nhẵn đá. Ngứa, lở loét chân tay là những hậu quả nhìn thấy, nhưng điều nguy hiểm là axit ngấm vào bụi trong không khí, và theo hơi thở tác động nguy hiểm, lâu dài tới cơ thể.
Mỗi ngày có khoảng 700 lít axit được đưa vào sử dụng. Một năm có đến 25.000 lít axit theo nước ngấm vào lòng đất. Trong khi gần 100% người dân nơi đây vẫn sử dụng nước giếng trong mọi sinh hoạt.
Ông Nguyễn Đình Thư, phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: "Bụi và tiếng ồn hiện nay không có khả năng khắc phục. Chúng tôi đang xin chủ chương của thành phố cho địa điểm tập kết đá và cưa xẻ để tránh tiếng ồn, còn bụi chỉ dừng ở che chắn".
Một dự án quy hoạch làng nghề giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được phê duyệt vào năm 2003, dự án được khởi công rầm rộ. Gần 3 năm trôi qua, dự án mới chỉ khởi công một đoạn đường ngắn. Người dân vẫn hàng ngày sống chung với bụi đá, sống chung với tiếng ồn và sử dụng nguồn nước ô nhiễm như từ trước đến nay.