Cơ thể con người có khả năng thích nghi với môi trường có độ cao rất nhanh. Và những thay đổi sinh học này có thể kéo dài trong nhiều tháng sau đó kể cả khi những người này đã quay trở lại sinh sống ở nơi có độ cao thấp hơn.
Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh máu của những người leo núi với máu của những người bình thường. Trong môi trường có nồng độ oxy thấp, cơ thể của những người này đã có những thay đổi sinh học ảnh hưởng đến khả năng giữ oxy của những tế bào hồng cầu.
Phát hiện này mâu thuẫn với một giả định kéo dài gần nửa thế kỷ trước đó cho rằng con người sống trong môi trường có độ cao lớn bắt đầu sản xuất các tế bào hồng cầu mới nhằm cung cấp nhiều oxy hơn đến cơ bắp và các cơ quan hơn so với những người bình thường
Điều này có nghĩa rằng theo giả thuyết cũ, những người sống trên đỉnh Everest - nơi không khí chỉ chứa khoảng 53% lượng oxy so với mực nước biển – sẽ tạo ra các tế bào hồng cầu cao cấp có khả năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng hiệu quả hơn.
Tế bào hồng cầu đã bắt đầu thay đổi cấu trúc chỉ sau một vài giờ kể từ khi bạn bắt đầu leo núi. (Nguồn ảnh: sciencealert).
"Đó là điều mà người ta đã tin tưởng trong suốt hơn 50 năm qua", theo lời Robert Roach, điều tra viên chính và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Altitude trực thuộc Đại học Colorado cho biết.
Theo giả thuyết này, những người sống toàn bộ cuộc đời mình ở núi cao và môi trường oxy thấp đã có cơ chế sinh học dần dần thích nghi, ví dụ như người Tây Tạng. Tuy nhiên, giả thuyết này dường như không đúng đắn lắm với những người leo núi hay khách du lịch trượt tuyết.
Cơ thể của bạn chỉ có khả năng sản xuất ra khoảng 2 triệu tế bào hồng cầu mới mỗi giây. Thế nên nó phải mất vài tuần để toàn bộ tế bào hồng cầu được thay mới hoàn toàn. Vậy những người leo núi trong vòng vài ngày ít ỏi làm thế nào để thích nghi với điều này.
Để tìm ra câu trả lời, các nhà khoa học đã cho 21 người tình nguyện gồm 12 nam và 9 nữ có đội tuổi từ 19-23 leo lên đỉnh núi Chacaltaya Bolivia nằm ở độ cao 5.260 mét.
Những người tình nguyện này đã được lấy mẫu máu trước khi họ leo lên núi. Cứ mỗi 3km độ cao, họ sẽ được lấy mẫu máu một lần. Khi leo lên tới đỉnh, những người tình nguyện này sẽ leo về đến lưng chừng núi và lại leo ngược lên một lần nữa. Toàn bộ chuyến đi kéo dài trong khoảng thời gian 7 ngày.
Cơ thể của bạn chỉ có khả năng sản xuất ra khoảng 2 triệu tế bào hồng cầu mới mỗi giây.
Kết quả cho thấy khi các tình nguyện viên leo lên đỉnh núi lần thứ hai, họ cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn hẳn so với lần đầu tiên. Những tình nguyện viên đã không những thích nghi trong chuyến đi leo núi đầu tiên mà cơ thể họ cũng giữ lại những thay đổi này cho dù họ đã xuống núi.
Khi các nhà nghiên cứu phân tích mẫu máu, họ nhận thấy rằng các tế bào hồng cầu vẫn giữ nguyên và không hề được thay thế. Tuy nhiên, cấu trúc của chúng đã thay đổi trong khoảng thời gian rất nhanh, chỉ một vài giờ sau khi những tình nguyện viên bắt đầu leo núi.
Những thay đổi này liên quan đến khả năng vận chuyển và cung cấp oxy cho cơ bắp và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể. "Chúng tôi thật sự khá bất ngờ vì cơ chế này phức tạp hơn rất nhiều so với dự đoán", Robert cho biết.