Chiếc gương là một vật dụng quen thuộc với tất cả chúng ta. Không chỉ là một vật gia dụng thiết yếu trong mỗi gia đình, gương còn xuất hiện tại nhiều nơi với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Thậm chí, hãy tưởng tượng rằng một ngày nào đó chúng ta ra khỏi nhà mà không soi gương, đó thật sự là một điều khó chịu vô cùng.
Chúng ta sẽ cùng ngược dòng thời gian về 8000 năm trước, khi hình thái chiếc gương bắt đầu hình thành và điểm lại những cột mốc quan trọng trong việc chế tạo và sử dụng nó trong lịch sử. Còn bây giờ hãy cùng bắt đầu với mốc thời gian của chiếc gương đầu tiên...
Chiếc gương đầu tiên
Hình thái hết sức sơ khai của chiếc gương có lẽ là mặt hồ nước yên tĩnh, mặt đá bóng nhoáng hoặc nước trong các thùng chứa. Một điều thú vị là từ khoảng năm 722 trước công nguyên trở đi đã xuất hiện các ký tự Trung Quốc cổ mang ý nghĩa chiếc gương. Đó là jian hoặc jing, nghĩa là "một chiếc bồn lớn đựng đầy nước". Từ đó cho thấy, chính tự nhiên đã cho con người những chiếc gương soi đầu tiên nhất. Đây cũng chính là hình thái quan trọng khiến cho con người có ý tưởng dựa vào và chế tạo ra gương soi sau này.
Một số ý kiến cho rằng chính người Trung Quốc đã phát minh ra chiếc gương. Tuy nhiên, theo một số chứng cứ đáng tin cậy thì nhận định trên là chưa hoàn toàn chính xác.
Những vật dụng mang hình thái chiếc gương đầu tiên được tìm thấy trong các ngôi cổ mộ tại khu vực tiểu Á. Trong một vùng định cư có niên đại từ 6200 đến 6000 năm trước công nguyên, thuộc thời đồ đá mới tại vùng Çatal Hüyük, nhà khảo cổ Mellaart đã tìm thấy được những chiếc gương đầu tiên. Khu vực khai quật hiện nay thuộc nghĩa trang vùng Konya, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Những chiếc gương này được chế tạo bằng cách đánh bóng obsidian (thủy tinh núi lửa, đá vỏ chai) và có một bề mặt phản chiếu hình tròn hoặc hình nón. Tuy bề mặt phản chiếu hơi lồi lõm nhưng vẫn được đánh bóng một cách có chủ đích. Đường kính mỗi chiếc gương vào khoảng 9 cm và điều đáng chú ý là có thể phản chiếu hình ảnh khá tốt.
Các nhà khảo cổ đã khẳng định rằng: "Các vật này đã được dùng làm gương soi với đầy đủ chức năng của một bề mặt phản chiếu. Đó là một điều không thể nào tranh cãi được". Hơn nữa, các nhà khảo cổ tìm thấy chiếc gương được gắn cẩn thận trên vách của một ngôi mộ. Đồng thời, dựa trên nội dung điêu khắc trong mộ cho thấy đây là một ngôi mộ của nữ giới.
Chiếc gương đầu tiên được mài từ thủy tinh núi lửa
Tiểu Á là khu vực có nhiều khoáng sản corundum và thủy tinh núi lửa. Corundum (còn được gọi là bột mài) là một máy mài và đánh bóng vật liệu từ tự nhiên với độ cứng 9 trong thang đo độ cứng Mohs, nó có thể dễ dàng được dùng để đánh bóng các dạng khoáng sản khác.
Các vậy thể chế tạo từ thủy tinh núi lửa sau đó đã được mang đi từ Tiểu Á đến những nơi khác dùng làm mũi giáo, đầu tên, dao, trục, rìu và đồ trang sức. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi suy luận rằng những chiếc gương làm bằng thủy tinh núi lửa cũng xuất phát từ vùng Tiểu Á này. Các nhà khảo cổ còn cho biết rằng những chiếc gương trên có 1 mặt thô ráp, một mặt kia được đánh bóng bằng bột mài và da.
Trong báo cáo mới đây của Colin Renfrew, giáo sư khảo cổ tại Đại học Cambridge, đã khẳng định rằng khoảng 6000 năm trước công nguyên, Çatalhöyük là một trong những khu vực có dân số lên tới 10.000 người. Đây chính là trung tâm của sự phát triển nông nghiệp và ngôn ngữ. Nếu dự đoán của giáo sư Colin là chính xác thì Çatalhöyük và rộng hơn là xứ Anatolia chính là nơi đầu tiên chế tạo ra chiếc gương của loài người.
Những chiếc gương tiếp theo sau đó
Những chiếc gương có niên đại tiếp theo được tìm thấy tại Ai Cập. Nhà khảo cổ William M, Flinders Petrie (1853 - 1942) cho rằng những phiến đá tảng đã được sử dụng làm gương soi trong thời kỳ Tiền triều đại Ai Cập. Các ghi chép của nhà khảo cổ Lilyquist cũng cho biết rằng nước bốc hơi rất nhanh trên những phiến đá này. Lilyquist còn khẳng định ngoài ra, những chiếc bát gốm được thiết kế để chứa đầy nước rõ ràng được dùng làm gương soi cũng được phát hiện được tại vùng Badari với niêm đại khoảng 4500 năm trước công nguyên. Các vật dụng tìm thấy tại Badari cũng có dấu vết của gỗ bao xung quanh được dự đoán là dùng làm khung của chiếc gương.
Hình ảnh khắc trên tường tại các lăng mộ có liên quan tới gương
Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy di tích của những chiếc gương đồng đánh bóng có niên đại vào khoảng 4000 đến 3000 năm trước công nguyên tại thung lũng Tigris-Euphrates (hiện nay là vùng thuộc Irag). Bắt đầu từ thời điểm này, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy sự xuất hiện của những chiếc gương trong các món đồ điêu khắc, trong các văn bản giấy cói,... tại các khu vực cổ đại thuộc vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, và Levant.
Một cổ vật gương soi tìm thấy tại Ai Cập
Khác với những chiếc gương bề mặt phẳng được tìm thấy ban đầu, những chiếc gương tiếp theo có bề mặt lồi hoặc lõm. Dạng gương lồi nên nhìn thấy hình ảnh to trong một khu vực nhỏ của chiếc gương. Bề mặt lõm được dùng để phóng lớn các hình ảnh cần nhìn.
Giai đoạn này gương được con người ghép với những khả năng huyền bí và thường được sử dụng trong các cuộc tế lễ, tế thần.
Gương tại khu vực Đông và Trung Á, bao gồm cả Trung Quốc
Các nhà khảo cổ học cho rằng những chiếc gương tại Trung Quốc được phát triển một cách độc lập và có hình thái khác so với gương ở phương Tây. Họ khẳng định rằng tiền thân những chiếc gương tại Trung Quốc có nguồn gốc từ Siberia tại các khu vực Andronovo, Karasuk, phía bắc dãy núi Kavkaz gần biển đen.
Tại Trung Quốc, 2 chiếc gương được phát hiện tại Tây An, Thanh Hải có niên đại khoảng 2000 năm trước công nguyên thuộc nền văn hóa nước Tề. Tiếp theo đó, những chiếc gương cũng được tìm thấy tại lăng mộ của Phụ Hảo, 1 trong 60 phi tần của vua Phụ Hiến thuộc nhà Thương, có niên đại vào khoảng 1300-1028 năm trước công nguyên. Sau đó, gương được sử dụng một cách giới hạn tại Trung Quốc dưới thời Đông Chu (khoảng năm 1045-771 trước công nguyên).
Cổ vật chiếc gương tìm thấy trong lăng mộ Phụ Hảo
Những chiếc gương thời bấy giờ có đường kính từ 6 đến 12cm, chưa có trang trí và được xỏ một lỗ nhô lên ở chính giữa nhằm treo tấm gương lên. Gương giai đoạn này thường được chế tạo bằng đồng hoặc hợp kim của đồng nên có kích thước mỏng và độ cứng khá cao. Bằng chứng của những chiếc gương tiếp theo cũng được tìm thấy trên di tích con đường tơ lụa, trong những ngôi mộ cổ đại và được nhắc tới trong các văn bản cổ.
Trong giai đoạn này, gương cũng được con người gán cho những khả năng huyền bí như thấy được quá khứ và tương lai, đưa ra các lời chiêm tinh và thậm chí là có thể nhìn thấu nội tâm của 1 người. Các đặc điểm này tương tự như cách nhìn của con người về gương soi tại Ai Cập và các khu vực cổ xưa khác thuộc cùng đương đại.
Trung và Nam Mỹ
Các di tích gương soi cũng được tìm thấy tại Nam Mỹ bởi các nhà khảo cổ học với niên đại vào khoảng năm 1925 trước công nguyên trở đi. Tại Mexico, người ta đã tìm thấy những chiếc gương được chế tạo và sử dụng bởi những người Olmec, Mayan, và Teotihuacan thuộc nền văn hóa Maya.
Tại Nam Colombia và Bắc Ecuador, các kỹ thuật tinh chế và đánh bóng đá quý đã được phát triển dưới nền văn hóa La Tolita (năm 600 -300 trước công nguyên). Tại Peru, người ta cũng đã tìm thấy những chiếc gương làm từ pha lê với dấu hiệu có khung đồng bao xung quanh. Nhiều nơi khác tại Nam Mỹ, các nhà khảo cổ cũng đã tìm được các di tích hình thái chiếc gương được chế tạo và sử dụng.
Chiếc gương của người Olmec tìm thấy tại Nam Mỹ
Vào những năm 1125 đến 130 trước công nguyên tại châu Mỹ, người Olmec đã biết dùng kim loại để chế tạo nên gương soi. Các loại vật liệu thường được dùng là pyrit sắt, obsidian, anthracite. Những cổ vật tìm thấy hiện vẫn đang được trưng bày tại viện bảo tàng tại Mexico City nước Mỹ.
Thời kỳ này, gương được đánh bóng, một số có bề mặt bằng phẳng, nhưng phần lớn gương được chế tạo lõm với độ dài tiêu cự từ 5 đến 80 cm. Theo phân tích cho thấy, những chiếc gương này có thành phần bao gồm: magnetit, hematit, sắt pyrite. Theo các ghi chép tìm được, gương được dùng để tạo ra lửa, y học, bói toán chiêm tinh và thiên văn học.
Người La Mã với chiếc gương thủy tinh đầu tiên và bị cấm trong thời Trung Cổ
Hình vẽ gương của người La Mã
Vào khoảng thế kỷ thứ 1, những chiếc gương bằng thủy tinh đầu tiên đã được người La Mã phát minh. Đây là nhờ vào sự phát minh ra phương pháp thổi thủy tinh vào đầu thế kỷ thứ 1 bới các người làm kính Syria. Ngay từ lần đầu tiên được chế tạo, người ta đã trao cho gương nhiều phẩm chất đặc biệt mà không vật nào có được. Các nhà triết học Hy Lạp đã khuyên những người đàn ông trẻ nên nhìn vào trong gương để luôn giữ cho linh hồn mình trong sạch, tránh xa những cám dỗ trong cuộc sống có thể đưa họ đến con đường sai trái.
Trong thời kỳ Trung Cổ, gương đã hoàn toàn biến mất do các tôn giáo đã cho rằng người ta có thể sử dụng gương để tìm kiếm quỷ dữ và xem được thế giới bên kia. Bấy giờ, ngòi ta phải sử dụng những mảnh kim loại đánh bóng hoặc một mặt nước để thay thế cho gương soi. Lịch sử phát triển của gương đã có một bước lùi do những quan niệm mê tín của con người thời đại này.
Sự trở lại của chiếc gương từ thế kỷ 13
Mãi tới thế kỷ 13, những chiếc gương bằng kính mới quay trở lại thế giới con người. Vào thời gian này, người ta đã tìm được cách tráng thiếc lên thủy tinh. Với công nghệ sẵn có, trong quá trình thổi thủy tinh, người thợ làm kính sẽ đổ thiếc nóng chảy vào một bồn bằng thủy tinh, sau khi thiếc nguội đi, người thợ sẽ tách tấm thiếc ra và đính vào một mặt của tấm thủy tinh. Thời gian này vẫn chưa tìm được cách tráng thiếc lên thủy tinh một cách hoàn chỉnh.
Hình vẽ thợ chế tạo gương tại Venice
3 thế kỷ sau, vào thế kỷ 15 tại Venice, những bậc thầy làm kính đã phát minh ra một kỹ thuật mới nhằm chế tạo gương phẳng bằng cách dùng thủy ngân để tráng lên mặt sau của gương. Họ đã tìm ra được cách tráng thủy tinh lên bề mặt phẳng của gương với một thủ thuật đặc biệt. Bên cạnh đó, những người thợ đã nghĩ ra phương pháp trộn vàng và đồng vào thiếc tạo thành một hỗn hợp đặc biệt để tráng lên gương cho phép hiển thị hình ảnh trong gương đẹp hơn. Cũng chính vì sử dụng hỗn hợp "đặc biệt" như vậy nên chi phí để chế tạo ra một tấm gương thời bấy giờ có thể sánh với việc đóng một chiếc tàu hải quân lớn.
Đến năm 1675, người thợ làm kính George Ravenscroft đã phát minh ra một thế hệ gương mới bằng cách thêm oxit chì vào hỗn hợp thủy ngân tráng gương cho phép chế tạo với giá thành rẻ. Việc phát trưởng gương dừng lại ở phương pháp dùng thủy ngân trong giai đoạn này.
Một cung điện được trang trí tráng lệ bằng gương bọc khung
Sau đó, gương bắt đầu được đón nhận và đi vào cuộc sống của mọi người. Dù vậy, tới thế kỷ 16 thì gương vẫn còn bị một số người xem là vật dụng có liên quan tới phù thủy và các nghi lễ huyền bí. 200 năm sau vào thế kỷ 16, một số điệp viên Tây Ban Nha và Pháp đã dùng gương để mã hóa và giải mã các thông điệp bằng hệ thống mật mã bằng gương do Leonardo da Vinci phát minh hồi thế kỷ 15. Tiếp theo, gương lại trở thành một bộ phận quan trọng trong việc phát minh ra kính tiềm vọng. Loại kính được dùng trong các hoạt động gián điệp trong chiến tranh nhằm gởi thông tin mật về mà không cần dùng con người đưa tin.
Bấy giờ, gương đã trở nên phổ biến với việc sản xuất các khung sang trọng dùng làm vật trang trí cho khắp các cung điện tại Châu Âu. Thời gian này kỹ thuật làm gương vẫn được các thợ làm kính tại Venice nắm giữ và cung cấp chủ yếu cho tầng lớp quý tộc với giá bán cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, bí mật của việc dùng thủy ngân tráng gương cuối cùng đã bị các gián điệp công nghiệp phát hiện và lan truyền đén London và Paris vào thế kỷ 17. Cuối cùng, các xưởng làm gương tại Pháp đã công nghiệp hóa quy trình làm gương với giá rẻ phù hợp với mọi người. Dù vậy, độc tính của thủy ngân vẫn là một vấn đề lớn.
Gương hiện đại
Gương hiện đại ngày nay
Những chiếc gương hiện đại ngày nay được làm bằng bạc hoặc phun một lớp bạc hoặc nhôm lên mặt sau của một tấm thủy tinh. Phương pháp chế tạo này được phát minh bởi Justus Von Leibig vào năm 1835. Dù vậy, những tấm gương hiện đại ngày nay thường được chế tạo bằng cách nung nóng nhôm trong chân không và phủ lên bề mặt tấm kính có nhiệt độ thấp hơn. Kể từ đây, kính bắt đầu đi vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của con người và dần trở thành một vật dụng không thể thiếu đối với mỗi gia đình.
Kết
Tấm gương đã trải qua một hành trình dài và đầy màu sắc hơn 8000 năm trong lịch sử của con người. Từ tấm gương khổng lồ do mẹ thiên nhiên ban tặng, cho đến những phiến đá được mài nhẵn, rồi những tấm gương bằng đồng trong các lăng mộ cổ, tiếp theo là thủy tinh của người La Mã, phương pháp tráng gương của những nghệ sĩ người Ý và việc công nghiệp hóa thành công của người pháp, cuối cùng là Justus Von Leibig với phương pháp tráng bạc như ngày nay. Cuối cùng thì chúng ta đã có một tấm gương soi hoàn chỉnh.
Về mặt ý nghĩa của gương cũng trải qua bao thăng trầm, từ việc bị coi là vật dụng huyền bí với đủ các thế lực siêu nhiên, từng bị cấm vì có thể triệu hồi quỷ dữ, có khi lại được khuyến khích dùng để nhìn thấu nội tâm của bản thân, rồi được áp dụng trong quân sự hay vật trang trí xa xỉ trong các cung điện. Cuối cùng thì khi xã hội con người văn minh hơn, gương dần trở thành một vật dụng được áp dụng không chỉ trong đời sống con người mà còn trong nhiều nghiên cứu khoa học.