Lò hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động trở lại, sau 3 tháng tạm ngưng để thay thế nhiên liệu phản ứng bằng uranium có độ giàu thấp.
>>> Lò hạt nhân Đà Lạt "chuyển hệ" uranium
Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hôm nay cho biết, lò phản ứng hạt nhân đã hoạt động lại.
"Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đang chạy 92 bó nhiên liệu có độ giàu thấp, để sản xuất các đồng vị phóng xạ cung cấp cho bệnh viện trong nước, tiến tới điều trị một số bệnh hiểm nghèo", tiến sĩ Điền nói.
Lò phản hứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Wikipedia)
Cuối tháng 11, toàn bộ nhiên liệu có độ giàu 36% được thay thế bằng nhiên liệu có độ giàu 19,75%. Từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia Chương trình chuyển đổi nhiên liệu của lò Đà Lạt từ loại nhiên liệu có độ giàu cao (HEU) xuống loại nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU).
Đây là một phần trong nỗ lực chung của ba nước Việt Nam, Nga, Mỹ và cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA), nhằm tăng cường sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn cho thế giới từ nguồn nhiên liệu uranium giàu, thực hiện cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Mới đây, Việt Nam và Nga vừa ký hiệp định về việc vận chuyển các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về Nga. Theo kế hoạch, việc vận chuyển về Nga các thanh nhiên liệu có độ giàu cao sẽ được hoàn tất vào tháng 5/2013.