Điện hạt nhân trở lại trong âu lo

  •  
  • 211

Trong bối cảnh giá dầu leo thang như hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia đang tính toán đến việc chuyển sang sử dụng điện hạt nhân, mặc cho những lo ngại về độ an toàn, mức độ ô nhiễm và chi phí đắt đỏ.

Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là tạo ra ít khí CO2 hơn, nhưng chất thải phóng xạ từ chúng rất nguy hiểm nếu không được lưu trữ đúng cách. Chưa kể để xây một nhà máy điện hạt nhân phải mất đến 10 năm, trong khi nhà máy điện đốt than chỉ mất có bốn năm.

Với những hạn chế như vậy, đã có lúc giải pháp điện hạt nhân bị đặt sau các nguồn năng lượng khác như thủy điện, năng lượng mặt trời... Thế nhưng trước tình hình giá dầu tăng cao, cộng thêm cuộc chiến chống hiệu ứng khí thải nhà kính ngày càng nóng, điện hạt nhân đang được nhắc đến như một lựa chọn khả thi.

Chạy đua xây nhà máy

Theo Hãng tin AFP, hiện nay trên thế giới có 442 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại 201 nhà máy điện, tập trung tại 31 nước, nhiều nhất Mỹ (104 lò), Pháp (58) và Nhật (55). Con số này dự kiến sẽ tăng trong thập niên tới bởi có hơn 100 lò phản ứng hoặc đang được xây dựng, hoặc còn nằm trên bản thảo và đơn đặt hàng.

Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới tại Pháp. (Ảnh: TTO)

Nguồn tin AP cho biết một nửa trong số đó đến từ các nước đang phát triển. Argentina, Brazil và Nam Phi đang dự tính mở rộng hoạt động các nhà máy có sẵn, còn Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya... đang xem xét việc xây dựng các lò phản ứng đầu tiên. Trung Quốc trước nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao cũng đang gấp rút xây thêm 30 nhà máy điện hạt nhân bên cạnh 11 nhà máy đang hoạt động. Ấn Độ cũng muốn phát triển điện hạt nhân, nhưng chưa thể rục rịch vì trước hết phải ký thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA), cam kết không dùng các cơ sở đó để cung cấp nguyên liệu cho vũ khí nguyên tử.

Không chỉ có các nước đang phát triển, nước phát triển như Anh cũng đang tích cực tham gia cuộc chạy đua này. Vào ngày 10-1 vừa qua, Anh đã phê chuẩn kế hoạch xây dựng một thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới, đem lại niềm phấn khích cho nhiều tập đoàn xây dựng năng lượng nhưng gây không ít lo ngại cho những nhà sinh thái học và cư dân sống gần khu vực nhà máy. Các nhà máy thế hệ mới sẽ thay thế cho những nhà máy đang hoạt động và dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2033. Tại Phần Lan, một nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, còn Mỹ cũng tuyên bố xây thêm nhiều nhà máy trong tương lai.

Nỗi lo lơ lửng

Theo ước tính của IAEA, năng lượng hạt nhân có thể sẽ đạt mức tăng gấp đôi trong hai thập niên tới, đạt mức 691 gigawatt, chiếm 13,3% trong tổng lượng điện sản xuất ra trên toàn thế giới. "Chúng ta đang đối mặt với một cuộc phục hưng hạt nhân. Hạt nhân không còn là quỉ dữ nữa. Ác quỉ bây giờ là than đá”, Anne Lauvergeon, giám đốc điều hành của Công ty Năng lượng nguyên tử Pháp Avera, tuyên bố.

Điều đó có thể đúng với các nước phát triển có trình độ xây dựng và quản lý chuyên nghiệp như Anh, Pháp, Mỹ nhưng còn các nước mới làm quen với điện hạt nhân, nguồn năng lượng này có thể là con dao hai lưỡi. Philippe Jamet, giám đốc bộ phận an toàn lắp đặt hạt nhân của IAEA, nói rằng các nước còn xa lạ hoặc đang làm quen với điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, vì ta có thể học từ sai lầm đối với các lĩnh vực khác nhưng với điện hạt nhân thì không. Mỗi sai lầm gắn liền với mạng sống con người thuộc không chỉ một thế hệ.

Mặc dù các nước đang phát triển khẳng định họ đã sẵn sàng cho mọi thách thức, nhưng những báo cáo về số vụ tai nạn sập hầm mỏ ở Trung Quốc, hoặc tai nạn lao động ở Ấn Độ khiến người ta không khỏi lo lắng các thói quen cũ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình điều hành. Đó là chưa kể những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc lưu trữ chất thải phóng xạ, vốn có thể tồn tại trong hàng chục nghìn năm, rồi yêu cầu tuân thủ nguyên tắc đóng cửa các nhà máy khi chúng không còn đảm bảo an toàn... Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, bình luận: "Chắc chắn có những mối quan tâm đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Có thể là một sự hạ thấp về tiêu chuẩn, và điều đó ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong lĩnh vực nguyên tử, từ việc mua sắm nguyên liệu đến quá trình ứng dụng, xây dựng và điều hành nhà máy".

THANH TRÚC

Theo Tuổi trẻ
  • 211