Một gò mối hóa thạch khai quật tại sa mạc Djurab (Chad) - (Ảnh: HTV)
Để tự nuôi sống, một số loài mối trồng nấm trong tổ. Chúng tạo những gò mối để nấm có thể phát triển. Sau khi phát hiện những gò nấm hóa thạch tại Chad, các nhà nghiên cứu Pháp khẳng định sự cộng sinh này đã tồn tại ít nhất 7 triệu năm.
Các gò trong tổ mối được làm từ gỗ mục và cây cỏ vụn rất dễ nát. Tổ mối tan rã rất nhanh khi chúng bỏ đi, do đó khó được bảo quản theo thời gian. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu thuộc Sứ mệnh cổ sinh nhân loại học Pháp và Chad đã phát hiện nhiều gò mối tại sa mạc Djurab, nơi khai quật xương hóa thạch người cổ nhất mang tên Tournai khoảng 6-7 triệu năm tuổi.
Khi so sánh với những gò mối hiện nay, các nhà nghiên cứu Viện CNRS khẳng định đây là những gò do những con mối trồng nấm xây cách đây 7 triệu năm.
Theo nhà nghiên cứu Pháp Philippe Duringer và các cộng sự, khí hậu khô cằn đã làm hóa thạch những gò mối mong manh này.
V.S