Bằng chứng từ những chiếc bình được tìm thấy quanh khu vực biển Baltic tại Bắc Âu cho thấy người nông dân vào giai đoạn đầu của thời kỳ đồ đá mới tiếp tục chế biến các loại thức ăn mà tổ tiên của họ vẫn sử dụng từ thời còn săn bắn hái lượm.
>>> Bữa ăn 8 nghìn năm của người tiền sử
Phát hiện này thách thức quan điểm truyền thống cho rằng sự xuất hiện của nền nông nghiệp với phương thức nuôi trồng đã nhanh chóng thay thế hoàn toàn lối sống trước đó.
Những chiếc bình gốm có niên đại khoảng 4000 năm trước Công
nguyên đã được tìm thấy quanh khu vực biển Baltic. (Ảnh: Daily Mail)
Nhóm nghiên cứu ở Đại học York và Đại học Bradford đã tiến hành phân tích 133 bình gốm có niên đại vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên.
Theo đó, tàn dư của nhiều loại sinh vật biển đã chỉ ra cá và các loài động vật có vỏ như tôm, cua, sò, hến tiếp tục được sử dụng phổ biến sau khi loài người đã chuyển từ hình thức săn bắt hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt.
Trong khi nhiều bằng chứng trước đây đều chứng minh rằng chế độ ăn uống của loài người thay đổi đáng kể trong giai đoạn mà nền nông nghiệp xuất hiện rộng rãi, thì kết quả của nghiên cứu này lại chỉ ra điều ngược lại.
“Thông tin từ những mảnh gốm còn lại cho thấy chế độ ăn uống thời đồ đá mới không hoàn toàn phụ thuộc vào những gì mà con người nuôi trồng được trên mặt đất”, tác giả chính của nghiên cứu, Oliver Craig (Đại học York) nói.
Loài người vẫn tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên có sẵn bất
chấp sự tan vỡ của hình thức săn bắt hái lượm. (Ảnh: Daily Mail)
Khoảng 1/5 số bình xuất hiện ở khu vực ven biển có chứa các dấu vết khác nhau của sinh vật biển, bao gồm các loại chất béo và dầu – những chất không được tìm thấy ở động vật và thực vật được con người nuôi trồng.
“Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy người dân gần biển Baltic tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên biển và nước ngọt có sẵn bất chấp sự tan vỡ của hình thức săn bắn hái lượm”, Tiến sĩ Craig nói thêm. “Khác với những gì chúng ta nghĩ trước đây, mặc dù nông nghiệp đã phát triển một cách nhanh chóng tại khu vực này nhưng nó không thể thay đổi đáng kể cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên của con người”.
Phát hiện được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.