Tổn thương thường gặp khi bị rắn hổ chúa cắn là hoại tử và sưng nề. Một số người có thể tử vong do liệt cơ gây suy hô hấp.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hổ chúa là loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam.
Khi bị rắn hổ chúa cắn, vị trí vết thương trên da có thể sưng nề, sau đó tiến triển nặng dần sang bọng nước. Vết cắn của rắn hổ chúa thường rất đau, vùng da xung quanh thâm lại, thường có màu tím đen. Lúc này, các mô dần chết dẫn đến hiện tượng hoại tử. Tổn thương này có thể lan rộng trong vài ngày và hình thành đường viền quanh vết cắn.
Nạn nhân có thể bị sưng và đau hạch trên hệ bạch huyết (như hạch nách, bẹn khoeo, khuỷu) ở vùng bị cắn.
Tình trạng liệt thường xuất hiện sau khi bị rắn cắn từ 3-20 giờ. Biểu hiện này bắt đầu từ sụp mí, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm rãi, liệt cơ hô hấp và các chi, tụt huyết áp, buồn nôn, đau bụng, suy thận cấp...
Nọc rắn hổ chúa khiến nạn nhân bị liệt cơ hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. (Ảnh: Pinterest).
Biện pháp giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn
Trong khi lượng huyết thanh giải độc tại Việt Nam còn hạn chế, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý bắt rắn. Bởi hầu hết trường hợp bị rắn độc cắn đều gặp biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, loài rắn này đang bị đe dọa do mất môi trường sống và là loài sắp nguy cấp cần được bảo vệ trong Sách đỏ Việt Nam.
Các biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
- Biết về các loài rắn trong vùng, khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp; Biết về thời gian trong năm, trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhất như mùa hè, mưa, trời tối.
- Cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.
- Tránh rắn càng xa càng tốt, không biểu diễn rắn, không cầm, không đe doạ rắn; Không bẫy rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.
- Không cầm, trêu rắn chết hoặc giống như đã chết.
- Thận trọng khi ở gần nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đổ nát, đống rác, tổ mối, chuồng gà, ổ gà, chuồng nuôi động vật của gia đình.
- Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở như nhà mái tranh, tuờng xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt...
Loài rắn kịch độc có nọc khiến tim ngừng đập chỉ trong vài phút ở Việt Nam