Bôi mật ong lên vết loét ở người tiểu đường sẽ trị lành vết thương mà không phải "đoạn chi" (cắt cụt tay, chân) để khỏi hoại tử? Một nhà y học Mỹ đang thử nghiệm phương pháp trên, theo tin của hãng AFP vào ngày 4/5...
Vết loét ở người tiểu đường lâu lành và thường phải đoạn chi để tránh hoại tử (Ảnh: jmu.edu) |
Liệu pháp này rất đơn giản. Bác sĩ chỉ cần đắp 1 lớp mật ong dày lên chỗ lở loét sau khi đã sát trùng vết thương và lấy đi những tế bào chết.
GS Eddy cho biết mật ong có tác dụng diệt khuẩn vì mật ong có tính acid cao, có hàm lượng nước thấp và có chất hydrogen peroxide được sản sinh từ những enzim tự nhiên của nó. Hơn nữa, việc sử dụng mật ong còn giúp tránh được tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn đối với thuốc kháng sinh.
Ở bệnh nhân tiểu đường, khả năng chống lại sự nhiễm trùng đã bị suy giảm. Do đó, khi họ bị thương hay lở loét thì những thương tổn đó rất khó trị và thường rất lâu lành. Khi vết thương bị nhiễm trùng nặng và hoại tử lan rộng thì việc đoạn chi là điều khó có thể tránh khỏi. Bà Eddy cho biết hiện nay cứ 30 giây trôi qua thì có một trường hợp đoạn chi xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới.
Cách đây 6 năm, GS Eddy đã dùng mật ong để chữa lành một vết loét dai dẳng ở chân một bệnh nhân tiểu đường 79 tuổi.
Bà kể lại: “Do tình trạng kháng thuốc, mọi loại thuốc kháng sinh đều trở nên vô hiệu đối với vết thương này. Sau khi thất bại trong mọi liệu pháp khác, tôi đã nghĩ đến mật ong. Trong thời gian đắp mật ong lên vết thương, tôi không cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc kháng sinh nào. Điều may mắn đã xảy ra: vết loét đã lành hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn”.
Bà phát biểu: “Việc chứng minh mật ong có khả năng đẩy nhanh tiến trình làm lành vết thương sẽ mở ra niềm hy vọng lớn lao cho nhiều bệnh nhân. Liệu pháp này không chỉ giải quyết được vấn đề vi khuẩn kháng thuốc mà còn giúp tiết kiệm chi phí điều trị. Tiềm năng của nó là rất lớn”.
Mật ong có thể trở thành một liệu pháp mới, đơn giản và hữu hiệu trong điều trị vết thương. (Ảnh: AFP)
Các chuyên gia tin rằng liệu pháp điều trị vết thương bằng mật ong sẽ mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho khoảng 200 triệu bệnh nhân tiểu đường trên thế giới, trong đó có khoảng 30 triệu người bị lở loét.
Sau những thành công ban đầu đang phấn khởi, giáo sư Eddy đang chuẩn bị thực hiện một cuộc thử nghiệm lớn để áp dụng rộng rãi liệu pháp này trong việc điều trị những vết thương lâu lành, nhất là ở người mắc bệnh tiểu đường. Bà nói: “Làm lành vết thương nhanh là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người”.
Để tham gia vào cuộc thử nghiệm này, bệnh nhân phải trên 18 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, đang bị lở loét ở phía dưới đầu gối và không đang dùng thuốc Prednisone.
Giáo sư Eddy hy vọng sẽ hoàn tất việc thử nghiệm và công bố kết quả nghiên cứu trong năm 2008 hoặc 2009.
Minh Quang