Các nhà khoa học tại một phòng thí nghiệm ở London đang chuẩn bị kế hoạch để sản xuất DNA công nghiệp dùng cho công nghệ sinh học.
Theo Sky News, trong một tầng hầm ở Nam Kensington, London, một nhà máy rất khác biệt vừa được xây dựng. Một nhóm robot làm việc với tiếng máy móc kêu vù vù nhưng ở đây không sản xuất sắt thép, không lắp ráp ô tô mà làm ra vật liệu của sự sống – DNA.
Đó chính là những gì đang diễn ra tại Foundry, một trung tâm có giá trị 2 triệu bảng Anh vừa được khánh thành tại trường Imperial College London. Họ có kế hoạch công nghiệp hóa quá trình sản xuất DNA để phục vụ trong lĩnh vực sinh học tổng hợp.
Phòng thí nghiệm tự động này có thể chạy hàng ngàn thí nghiệm đồng thời, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các nhà nghiên cứu sinh học. DNA sẽ biến thành nhiên liệu thiết yếu trong quá trình sản xuất thuốc kháng sinh, vắc xin...
DNA sẽ biến thành nhiên liệu thiết yếu trong quá trình sản xuất thuốc kháng sinh, vắc xin...
Giáo sư Paul Freemont, người đứng đầu bộ môn sinh học phân tử tại trường Imperial College cho biết: "Chúng tôi muốn và gần như đã đạt được một mô hình mã nguồn mở rất chuẩn, nhờ đó mọi người có thể truy cập dữ liệu từ Foundry như là một phần của quá trình sinh học tổng hợp.
Sinh học tổng hợp là một phần mở rộng của công nghệ sinh học. Đó là cách để khai thác sinh học một cách hiệu quả hơn, biến nó thành công cụ của chúng trong sản xuất mọi thứ...".
Chính phủ Anh đã xác định sinh học tổng hợp là một trong 8 "công nghệ vĩ đại" mà nước này có thế mạnh. Giáo sư Freemont chia sẻ tiếp: "Chúng ta đã được vận hành và sử dụng tài nguyên sinh học hơn 5000 năm nay. Chỉ có điều những gì chúng tôi đang làm bây giờ là chi tiết hơn. Chúng tôi bắt đầu thiết kế các hệ thống sinh học. Tôi nghĩ rằng đây là một sự tiến hóa tự nhiên và theo chiều hướng tốt. Tương lai sẽ bắt đầu từ đây khi chúng ta sản xuất các phân tử thực sự phức tạp như các loại thuốc, dược phẩm, thậm chí cả chất hóa học".
Sinh học tổng hợp đã thực sự bùng nổ kể từ khi giải mã được bộ gen của con người vào năm 2000, đặc biệt ngành này đã đạt được những bước tiến nhảy vọt trong 3 năm qua nhờ vào một kỹ thuật tinh chỉnh gene gọi là CRISPR. Các công ty sinh học tổng hợp mới đang mọc lên ngày càng nhiều tại Anh.
Chloe Gui, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Aranex đã sử dụng kỹ thuật CRISPR để tạo ra giống đậu phộng không gây dị ứng cho người khi ăn. Thực tế thì cứ khoảng 100 người Anh thì sẽ có một người dị ứng với loại đậu phộng thông thường.
Cô đã tâm sự với kênh Sky News rằng: "Điều tuyệt vời là CRISPR dễ sử dụng hơn các phương pháp cũ rất nhiều".
Tại thời điểm này, khi mà nhiều ngành công nghiệp truyền thống tại Anh đang gặp khủng hoảng thì sinh học tổng hợp có thể xem là một trong thế mạnh mới của nước này. Nhiều nhà khoa học đồng ý với ý kiến cho rằng đây là một ngành công nghiệp của một tương lai "rất gần".