"Lúa ma" xuất hiện ở Hà Nam do lai tạp giống

Lúa ma là gì?

Các nhà khoa học nhận định, hiện tượng lúa ma xuất hiện có thể do giống bị thoái hóa, lẫn lúa dại và kỹ thuật canh tác, làm đất.

Giữa tháng 6, vụ lúa chiêm sắp kết thúc, cánh đồng huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vẫn còn nhiều thửa ruộng chưa thu hoạch. Theo phản ánh của người dân đây là số diện tích bị lúa ma (hay còn gọi lúa cỏ) tấn công khiến sau 5-6 tháng gieo sạ hầu như không cho thu hoạch.


Bà Trịnh Thị Loan, ở xã Thanh Hà, nhổ lúa ma trên thửa ruộng không cho thu hoạch. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Giải thích về hiện tượng lúa ma, GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hiện là hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết những cánh đồng lúa ma không phải hiện tượng hiếm gặp. Ở phía Nam hiện tượng này từng xuất hiện ở khu vực Đồng Tháp Mười. Đây là loại lúa cao, tới 2 m, có hai loại chủ yếu là Oryza rufipogon (có hạt dài) và loại Oryza officinalis (hạt tròn). Loại lúa này cho năng suất thấp, với 1 ha có sự xuất hiện của lúa ma chỉ cho thu hoạch từ 800-900 kg, trong khi giống lúa cao sản có thể đạt ít nhất 5 tấn/ha.

Theo GS Xuân, lúa ma không nhân ra bằng hạt, mà từ củ (rễ) hay đốt lúa. Khi loại lúa này nằm rạp xuống đất, những đốt lúa mới sẽ mọc lên kế tiếp và tiếp tục mọc năm này sang năm khác.

Ông cho biết, tại Hà Nam, đến nay mới xuất hiện lúa ma có thể giải thích bằng việc mọc loại cỏ mới, loại hạt rụng xuống cánh đồng từ mùa trước nhưng người dân không hay. Ở mùa vụ mới, trong quá trình cày bừa, có hạt nằm sâu trong đất ở phía dưới sẽ đẩy lên trên dẫn tới lúa ma mọc lên. Ông giải thích, loại hạt rụng xuống sống rất lâu trong đất, khoảng 2-3 năm sau cày bừa.

Đồng tình quan điểm này, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, "cha đẻ" của nhiều giống lúa cho nông dân Việt, cho rằng, sở dĩ dân gian gọi lúa hoang là lúa ma bởi có sự xuất hiện những cây lúa khác dạng, mọc cao hơn so với lúa thường.

GS Quý cho biết, trước đây thời ông cha ta thường cày sâu bừa kỹ, khi nước vào cũng để ngâm vài tháng (từ tháng 5-6 đến cuối tháng 7 mới cấy tiếp) nên phân hủy hết gốc rạ, những hạt lúa vụ trước cũng thối hết. Nay chủ yếu canh tác giống ngắn ngày, sau vụ gặt khoảng chục ngày đã cấy. Trong khi đó, giống lúa dại tồn tại lâu trong đất, sức sống mạnh, nên dễ mọc lại.

Ông Quý cũng lưu ý cả khâu chọn giống. Theo ông, công ty sản xuất lọc chưa chuẩn khiến giống sản xuất bị thoái hóa, lẫn giống lúa dại. Một nguyên nhân khác là do việc dùng máy gặt khiến rơi vãi các hạt lúa mùa vụ cũ, từ 3-5%, mọc lẫn với giống lúa khác của vụ sau, nên lúc trỗ không đồng đều.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng loại lúa xuất hiện ở Hà Nam là lúa cỏ. Lúa cỏ rất dễ rụng, hạt có râu, dài và đôi khi có hạt màu đỏ, đen, nhìn giống lúa canh tác cải tiến. Loại lúa này chín sớm hơn và có râu nên dễ bị nhầm lẫn thành lúa ma.

Giải thích nguyên nhân xuất hiện lúa cỏ ở Hà Nam, GS Lang cho biết từ năm 2000-2010, các chuyên gia nghiên cứu chỉ ra sự xuất hiện lúa cỏ là do sự tạp giao giữa loại lúa hoang và lúa cải tiến trồng ở địa phương.

"Lúa hoang đi theo đường nước dọc theo mương rạch và lai chéo với lúa cải tiến qua nhiều năm sẽ bị tạp giao với nhau", bà nói và cho biết, giống cũ sử dụng nhiều năm, không dùng giống nguyên chủng, xác nhận sẽ bị tạp giao với nhau. "Các giống tạp giao chỉ cần một hạt thôi cũng sẽ phát tác ra rất nhanh".

Loại lúa cỏ phổ biến ở nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Cần loại bỏ tận gốc


Lúa ma mọc xen lẫn với lúa thường. (Video: Phạm Chiểu)

Vì lúa ma có thân dài, nhiều đốt, mỗi đốt nằm dưới đất sống rất lâu, đến mùa hạt sẽ tiếp tục mọc nên phải loại bỏ cả gốc và đốt lúa. GS Võ Tòng Xuân cho biết nên nhổ bụi lúa ma lên để so sánh với lúa thường, xem lúa phát triển từ hạt rụng hay kết nối thành cụm với nhau, để phân tích chính xác về số lượng, nguyên nhân lúa cỏ xuất hiện. Để loại bỏ hiện tượng này, bà con đi lựa lúa ma cắt, nhổ cả gốc lên, đốt và phải làm cả cỏ ma. "Khi ruộng sạch rồi thì thu hoạch lúa bình thường, đây là cách làm hay nhất", GS Xuân nói và thêm rằng, cần cày bừa thật kỹ để lấy hết gốc, diệt sạch nhiều lần nhằm loại bỏ đi loại lúa cỏ này.

Còn GS Quý cảnh báo người dân không nên mua giống trôi nổi. Ông cũng cho rằng, phải cày bừa kỹ, dùng chế phẩm vi sinh vật để làm thối gốc rơm rạ, phân hủy nhanh và làm sạch hết hạt rơi rụng ở vụ trước.

Mặc dù cho năng suất thấp, các chuyên gia cho rằng vẫn có thể tận dụng được loại gene lúa ma để lai tạo giống mới. GS Xuân cho biết, loại lúa ma có gene chống chịu được cả với điều kiện khô hạn và ngập úng rất tốt. Loài này mang cả hai đặc tính đối kháng với nhau là: gene chịu được khô hạn và úng ngập. Loài này cũng có khả năng chịu phèn, mùa nắng khô hạn, đất phèn mà lúa vẫn sinh trưởng, trong khi vào mùa mưa ngập, nước dâng đến đâu thì lúa ma vươn lên cao đến đó. "Đây là đặc tính gene tốt, có thể tìm cách tận dụng", GS Xuân nói.

Theo GS Xuân, hiện kiếm lúa ma rất khó, chỉ thấy được ở bờ kênh mương, còn ở những cánh đồng thương mại rộng lớn hầu như không có. "Nguyên nhân một phần do đất đã "thuần hóa", do cày bừa và trồng lúa ngắn ngày, các loại cỏ cũng bị tiêu diệt hết", ông nói.

Cập nhật: 25/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video