Hố tử thần xuất hiện ở Hà Nội, nhiều hộ dân phải sơ tán

  •  
  • 1.664

Hố sụt lún có đường kính khoảng 10m, sâu 7m, bám sát chân ngôi nhà hai tầng của gia đình anh Nguyễn Văn Bắc ở Mỹ Đức (Hà Nội). Chính quyền địa phương phải lập hàng rào chắn, sơ tán 5 hộ dân đến nơi an toàn.

Ngày 3/4, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Hoành - Chủ tịch UBND xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xác nhận trên địa bàn huyện vừa xảy ra hiện tượng sụt lún đất. Vụ sụt lún xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 2/4 tại khu vực nhà anh Nguyễn Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Sợi (thôn Hòa Lạc, xã An Tiến).

"Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã tập trung lực lượng dân quân, công an viên phối hợp với huyện đội về di dời tài sản và người của 5 hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện nay, chúng tôi đã lập các chốt, hàng rào và biển báo, cử lực lượng chốt trực 24/24 không cho người dân hiếu kỳ vào xem, đề phòng tai nạn" – ông Hoành cho biết.

Theo ông Hoành, ngoài gia đình anh Bắc còn có gia đình bà Nguyễn Thị Sợi, anh Học và nhà cô Thuận bị ảnh hưởng bởi vụ sụt lún. Hố sụt lún có đường kính khoảng 10m, chiều sâu khoảng 7m. Trong đó, nhà anh Bắc bị thiệt hại nhiều nhất, gồm cả khoảng sân trước nhà, công trình phụ (nhà tắm, nhà vệ sinh), sụt vào tận chân móng nhà. Toàn bộ phần sân của gia đình bà Nguyễn Thị Sợi cũng sụt hẳn xuống hố. Một phần công trình phụ của hộ gia đình kế cận và một đoạn đường ngõ xóm cũng bị sụt.

Vụ sụt lún suýt "nuốt" cả căn nhà của anh Nguyễn Văn Bắc.
Vụ sụt lún suýt "nuốt" cả căn nhà của anh Nguyễn Văn Bắc. (Ảnh: CTV T.Tùng).

Chính quyền địa phương đã tiến hành kéo đường dây điện thắp sáng khu vực sụt lún để bảo vệ hiện trường và cảnh báo cho người dân. Ngoài ra, do vị trí sụt lún nằm trên tuyến đường dân sinh (bên trong còn 10 hộ dân sinh sống) nên chính quyền địa phương đã vận động một hộ dân phá tường rào, lập tuyến đường tạm thời cho nhân dân trong khu vực đi lại. Đến chiều tối 2/4, toàn bộ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đã được chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán đến nơi an toàn.

Đại diện của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã cử cán bộ về phối hợp kiểm tra, đánh giá sơ bộ ban đầu. "Theo nhận định của đoàn công tác, có thể do dưới địa tầng của đất có nhiều hố cát, mùa này nước rút dẫn đến lún sụt" – ông Hoành chia sẻ.

Theo ông Hoành, năm 2006, cũng tại thôn Hòa Lạc, cách vị trí bị sụt lún ngày 2/4 khoảng 100m đã xảy ra một hố sụt lún, nuốt trọn cả một cây tre. Tiếp đó, năm 2010, khi một hộ gia đình tại thôn Hòa Lạc tiến hành khoan giếng cũng xảy ra hiện tượng sụt lún.

Ngoài ra, trên cánh đồng của thôn, khi người dân tiến hành lấy nước vào sản xuất cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Nước trên ruộng rút toàn bộ xuống các hố sâu. Để xử lý tạm thời, chính quyền địa phương đã phải rải sỏi, đá san lấp mặt ruộng để cho người dân tiếp tục sản xuất. Điều này cho thấy, nguyên nhân sụt lún có thể do địa chất của thôn Hòa Lạc yếu và có nhiều hố, mạch ngầm sâu chưa được khảo sát, gây ra sự cố bất cứ lúc nào.

"Căn cứ vào các dấu vết như bờ tường của nhà dân khu vực này thấy rằng đều có sự nứt nẻ từ trước, nghiêng về một phía. Theo các cụ trong thôn cho biết, trước đây có một dòng suối chảy qua thôn, sau đó người dân san lấp làm nhà ở" – ông Hoành nói.

Do các thiết bị thăm dò địa chất của xã còn hạn chế, chưa thể đánh giá hết thực trạng, tình hình cũng như nguy cơ sụt lún tại địa phương, UBND xã An Tiến kiến nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ tiến hành khảo sát, thăm dò hiện trạng địa chất khu vực thôn Hòa Lạc.

Trên cơ sở đó, khoanh vùng, thống kê các hộ bị ảnh hưởng để có phương án lâu dài. Bên cạnh đó, UBND xã An Tiến cũng đề nghị các cấp, các ngành có phương án hỗ trợ các hộ gia đình chịu ảnh hưởng sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Cập nhật: 04/04/2016 Theo Tienphong
  • 1.664