Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đã công nhận Lumbini, nơi sinh của Phật Thích Ca của Nepal là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.
Lumbini là vùng đất nổi tiếng, là một trong những nơi hành hương linh thiêng của đạo Phật. Lumbini thuộc quận Rupandehi nằm cách biên giới Sonauli của Ấn Độ khoảng 36 km. Vùng đất này được cho là nơi mà hoàng hậu Mayadevi đã sinh ra Siddhartha Gautam, người mà sau này đã trở thành Phật Thích Ca và khai sinh ra Phật Giáo. Đức phật Thích ca sống trong khoảng thời gian từ năm 563 đến năm 483 Trước Công Nguyên.
Lumbini là một trong 4 địa điểm hành hương nổi tiếng trên thế giới, cũng là nơi quan trọng gắn liền với đời sống của Đức Phật. Ba địa điểm còn lại là Kushinagar (nơi Đức Phật nhập Niết Bàn); Bodh Gây hay còn được biết đến với tên Bồ Đề Đạo Tràng (nơi Đức Phật thiền định 49 ngày dưới gốc cây bồ đề và giác ngộ ra giáo lý của Phật giáo); nơi cuối cùng là Sarnath (nơi đầu tiên Đức Phật giảng pháp).
Lumbini nằm dưới chân dãy núi Himalaya, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa 25km về phía đông. Kinh thành này là nơi Đức Phật đã sống đến năm ngài 29 tuổi. Lumbini có một số ngôi chùa, đền thờ trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada. Ngoài ra tại đây còn có hồ Puskarini và hồ Holy, nơi mà hoàng hậu Mada đã làm lễ nhúng nước trước khi Đức Phật ra đời. Tương truyền khi được sinh ra Đức Phật đã đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc đi bảy bước, mỗi bước đi của Đức Phật đều được đỡ bởi một tòa sen phía dưới. Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói rằng: "Ta là đấng chí tôn cao quý nhất trên đời! Đây là lần hóa kiếp cuối cùng, sẽ không còn tái sinh trên cõi đời này nữa.."
Ngoài ra, Lumbini còn lưu giữ được một phần của cung điện Ca Tỳ La Vệ xưa. Vào thời kỳ Đức Phật còn sống, Lumbini là một khu vườn xinh đẹp đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha. Hoàng hậu Mada đã hạ sinh Đức Phật tại đây khi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để để sinh con đầu lòng theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ thời kỳ đó.
Năm 249 trước Công nguyên, vua A dục vương (Ashoka) đến thăm Lumbini, lúc đó nơi này vẫn chỉ là một ngôi làng. Vua A Dục vương đã cho xây dựng bốn ngôi tháp và một cột trụ bằng đá. Cây cột trụ bằng đá được khắc một dòng chữ dài với nội dung: "Ta là vua A Dục, là niềm tin của chư thiên, trong 20 năm ta trị vì, ta đã thực hiện một chuyến thăm cấp hoàng gia đến nơi Đức Phật được sinh ra....Ta quyết định sẽ giảm một phần tám tiền thế cho Lumbini".
Sau đó Lumbini bị bỏ quên trong nhiều thế kỷ, mãi đến năm 1895 một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Đức là Feuher đã phát hiện các trụ cột lớn tại đây trong một chuyến đi thám hiểm. Ngay sau đó ông đã tiến hành khai quật khu vực xung quanh khu vực các trụ cột và đã tìm ra nền đá sa thạch của một ngôi đền cổ và những phiến đá sa thạch có khắc hình Đức Phật.
Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng ngôi đền của hoàng hậu Mada đã được xây dựng trên nền một ngôi đền lớn hơn nhiều đã có từ xa xưa. Về phía nam của ngôi đền này có một hồ nổi tiếng linh thiêng là Puskami. Người ta tin rằng hoang hậu Mada đã tắm ở hồ này trước khi hạ sinh Đức Phật. Vào năm 1996, các nhà khảo cổ học đã tìm ra hòn đá mà vua A Dục Vương đã dùng để đánh dấu vào vị trí sinh của Đức Phật cách đây hơn 2.600 năm.
Những thế kỷ về sau, càng ngày Lumbini càng trở nên nổi tiếng và trở thành niềm ao ước và là điểm đến mà những tín đồ Phật Giáo khắp nơi trên thế giới lựa chọn để hành hương về. Năm 337 – 664, hai vị danh tăng là Pháp Hiển ( 337-422) và Huyền Trang (602-664) đã ghi lại những thông tin về Lumbini trong các tác phẩm của mình, nhờ vậy mà vùng đất ngày được lưu truyền rộng khắp. Sau gần thế kỷ cho đến năm 1896 nhà khảo cổ học người Nepal đã phát hiện ra trụ đá mà xưa kia vua A Dục Vươn đã khắc chữ lên đó.
Cho đến năm 1997, sau khi được Unesco công nhận, Lumbini được quan tâm hơn với nhiều cuộc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo. Hiện nay tại Lumbini chỉ được phép xây dựng đền, chùa, tu viện chứ không được xây nhà hàng, khách sạn. Chính phủ đã chia Lumbini thành hai khu chính, khu phía Tây và phía Đông. Phía Tây là tu viện của Phật giáo Bắc Tông, phía Đông là tu viện Phật giáo Nam Tông và có nhiều kế hoạch bảo tồn rất nghiêm ngặt toàn bộ vùng đất này.