Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Điêu lâu Khai Bình của Trung Quốc là Di sản văn hóa thế giới năm 2007.
Điêu lâu Khai Bình - Di sản văn hóa Trung Quốc
Điêu lâu Khai Bình là các tháp nhiều tầng được xây dựng bằng bê tông tại Khai Bình, Giang Môn, Quảng Đông của Trung Quốc. Các tháp này được xây dựng vừa để ở đồng thời là các tháp canh phòng, chống thổ phỉ, trộm cướp.
Hầu hết các điêu lâu ở Khai Bình được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 và do các Hoa kiều làm chủ. Hiện nay, Khai Bình còn khoảng 1.800 điêu lâu vẫn tồn tại và được bảo quản, duy trì trong tình trạng khá tốt. Kể từ thời nhà Minh, tại Khai Bình việc xây dựng các tháp cao để chống trộm cướp đã rất phổ biến và trở thành truyền thống của vùng này.
Khai Bình được thành lập năm 1649 dưới đời nhà Thanh, cho đến nay đây vẫn là một trong những nơi có nhiều người di dân ra nước ngoài nhất của Quảng Đông. Theo thống kê, Hoa kiều tại vùng này chiếm hơn nửa tổng số dân của vùng. Những người này trở về từ 67 quốc gia khác nhau trên thế giới, từ Bắc Mỹ, Châu Úc và cả Đông Nam Á. Sau khi kiếm được tiền và trở về quê hướng, những Hoa kiều này muốn người ở quê biết được sự giàu có của họ, từ đây các tháp cao lần lượt xuất hiện. Các tháp được xây dựng không chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt hàng ngày mà còn phòng chống trộm cắp và phô trương của cải. Các tháp được xây dựng theo nhiều kiến trúc khác nhau, độ cao cũng khác nhau nhưng có 1 điều đặc biệt là ở tầng nào cũng có bếp. Sở dĩ như vậy bởi vùng Khai Bình trước kia rất hay ngập lụt, kiểu xây này dự phòng khi nước dâng lên tới 1-2 tầng bên dưới thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vẫn có thể được đảm bảo.
Một điểm chung nữa là các điêu lâu tại Khai Bình được xây dựng với rất nhiều cửa sổ nhỏ, đây là những ô cửa được dùng cho việc quan sát khi thổ phỉ xâm nhậm vào lãnh địa, bên cạnh đó còn giúp lưu thông không khi trong tháp. Trên các tầng thượng thường có chỗ để quan sát, như kiểu đài quan sát, nếu thổ phỉ đến gần, người dân sẽ từ trên cao ném đá xuống để xua đuổi.
Các điêu lâu tại Khai Bình được xây dựng nhiều nhất vào khoảng thời gian từ năm 1842 đến 1864, sau Hòa ước Nam Kinh dẫn tới cuộc chiến thuốc phiện lần thứ nhất. Thời điểm này Khai Bình xảy ra trên 100 án mạng, và hàng nghìn vụ bắt cóc, hàng trăm vụ cướp. Vì lý do đó mà các Hoa kiều đã cho xây dựng gấp rút cơ ngơi phòng thủ của mình, dù rằng người ra ước tính chỉ có khoảng 10- 20% Hoa kiều hồi hương thực sự có tiền.
Tuy có độ cao và kích thước khác nhau nhưng chủ sở hữu những điêu lâu hầu hết là người giàu có do vậy những tháp này được thiết kế rất nhiều phòng. Chủ luôn luôn ở tầng trên, người giúp việc ở bên dưới, sân thượng là đài quan sát, với một số tháp lớn sân thượng còn được xây dưng như pháo đài phòng thủ.
Các điêu lâu được xây dựng bằng nhiều vật liệu khác nhau từ gạch xám, đất nén, bê tông cho đến đá…tùy vào mức độ giàu có và quy mô mà người chủ muốn. Trong số khoảng 1.800 điêu lâu còn lại hiện nay, nhiều nhất là các điêu lâu được xây dựng bằng bê tông và đá. Khác với các công trình khác tại Trung Quốc đều có kiến trúc dân tộc đặc trưng, điêu lâu Khai Bình là những biệt thự mang dáng dấp Châu Âu. Lý do bởi sở hữu những điêu lâu này gần như 100% là Hoa kiều, những người đã từng có thời gian dài sống và làm việc tại nước ngoài, họ đã mang ảnh hưởng từ quốc gia khác về xây dựng công trình kiến trúc tại quê hương mình. Vì thế mà nếu như chưa được giới thiệu, du khách nào khi đến Khai Bình cũng đều ngạc nhiên bởi sự tồn tại của hàng loạt các công trình mang dáng dấp phương tây bên cạnh những đồng ruộng.
Điêu lâu Khai Bình được Unesco công nhận theo tiêu chí (ii), (iii), (iv)
Tiêu chí (ii): Các điêu lâu tại Khai Bình là đại diện cho sự kết hợp giữa văn hóa bản địa với kiến trúc phương tây do những người dân di cư mang về quê hương họ.
Tiêu chi (iii): Điêu lâu Khai Bình được xây dựng phục vụ mục đích sinh hoạt và phòng thủ là những đại diện cho sự phát triển của Khai Bình trong một thời gian.
Tiêu chí (iv): Điêu lâu Khai Bình không chỉ là những công trình kiến trúc đẹp mà còn thể hiện sự hòa hợp giữa cộng đồng Trung Quốc với những cộng đồng khác trên thế giới khi những người dân của đất nước này di cư tới những quốc gia khác sinh sống và bị ảnh hưởng văn hóa của vùng đất mới.