Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới công bố, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính dioxid carbon (CO2) trên toàn cầu đã tăng 1,4%, lên mức kỷ lục 31,6 tỷ tấn trong năm 2012.
>>> Công nghệ thu giữ CO2 không được áp dụng phổ biến
Trung Quốc là nước đứng đầu danh sách các nước thải nhiều khi CO2 ra bầu khí quyển nhất. Bất chấp những nỗ lực sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và nâng cao hiệu quả các nguồn nhiên liệu, năm ngoái, Trung Quốc vẫn là nước “góp phần” làm gia tăng mạnh nhất lượng khí CO2 toàn cầu, với lượng khí thải tăng thêm 300 triệu tấn so với năm trước. Tuy nhiên, đây cũng một trong những mức tăng thêm thấp nhất về lượng khí thải của Trung Quốc trong một thập kỷ qua.
Trong khi đó, lượng khí thải CO2 của Mỹ đã giảm 200 triệu tấn, nhờ việc áp dụng chính sách năng lượng sạch, đưa mức thải khí CO2 của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này trở về mức giữa những năm 90 của thế kỷ trước.
Ảnh: Russell McLendon
Tại châu Âu, nhu cầu năng lượng giảm do khó khăn kinh tế, cùng với nỗ lực gia tăng các nguồn nhiên liệu tái sinh, đã giúp khu vực này giảm được 50 triệu tấn khí phát thải.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản, lượng khí thải CO2 lại tăng 70 triệu tấn, do nỗ lực nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng không bù lại được lượng khí thải gia tăng từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sau khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011.
Các nhà khoa học cho rằng cùng nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thế giới cần phải hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C trong thế kỷ này nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đang tàn phá mùa màng cũng như làm tan chảy dải băng ở các đầu cực Trái Đất. Để thực hiện mục tiêu trên, tới năm 2020, lượng phát thải khí CO2 toàn cầu phải được duy trì ở mức 44 tỷ tấn.