Việc tự ý dùng thuốc chống nôn có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là bỏ sót hoặc làm che lấp mất triệu chứng của một bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa, viêm não, u não...
Nôn là một phản xạ của cơ thể để tống các chất chứa đựng từ dạ dày và phần đầu ruột non ra ngoài qua miệng. Nó có thể là một biểu hiện của nhiều bệnh tại ống tiêu hóa và ổ bụng như viêm dạ dày hoặc ruột cấp, viêm ruột thừa, viêm màng bụng... Nhưng nôn cũng có thể do các bệnh lý ngoài ổ bụng mà thông thường là tại hệ thần kinh trung ương (như viêm não, viêm màng não, u não, xuất huyết não - màng não), do bệnh lý hệ thận - tiết niệu, hoặc nhiễm khuẩn tại đường hô hấp trên...
Chính vì vậy, việc chỉ định dùng thuốc chống nôn không đơn giản như nhiều người tưởng, mà cần có chỉ định chính xác của các thầy thuốc sau khi đã xác định nguyên nhân và cơ chế gây nôn, chẩn đoán hoặc loại trừ được các bệnh lý nguy hiểm mà nôn chỉ là một biểu hiện. Việc chỉ định không đúng hoặc sử dụng bừa bãi các thuốc chống nôn có thể dẫn tới bỏ sót hoặc làm che lấp mất triệu chứng của một bệnh nguy hiểm, hoặc bị những tác dụng không mong muốn rất phổ biến và rất phức tạp của các thuốc chống nôn.
Các thuốc chống nôn thường dùng hiện nay được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm tác động vào trung tâm nôn gồm nhiều các thuốc như Vogalene, Plitican, Kytrin, Zophren, Scopoderm hoặc Nautamin, Nausicalm, Dramamin. Nhóm thứ 2 chống nôn và trào ngược bằng cách điều hòa sự co bóp của đoạn đầu ống tiêu hóa như Prepulsid (làm tăng vận động thực quản - dạ dày - ruột), Motilium (tăng vận chuyển làm tháo rỗng nhanh dạ dày), Primperan (tăng vận động thực quản - dạ dày - ruột).
TS Nguyễn Văn Bàng