Lý do "bạn vẫn bình yên" khi đi chân trần trên thủy tinh, than hồng

Bạn có cho rằng, việc bước đi bằng chân trần trên mảnh thủy tinh có thực sự đáng sợ không?

Đi chân trần trên thủy tinh không nguy hiểm như bạn tưởng?

Mới đây, hình ảnh học sinh một trường trung học đang bước chân trần trên thảm rải thủy tinh gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng, hành động được cho là "thể hiện lòng dũng cảm" này thực sự nguy hiểm với ngay cả người lớn.

Nhưng sự thật là hành động này có thực nguy hiểm như vậy không khi trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp đi chân trần băng qua mảnh thủy tinh hay thậm chí là cả than đang nóng đỏ mà vẫn không hề hấn gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.

Chắc hẳn khi được yêu cầu bước qua tấm thảm rải nhiều mảnh vỡ thủy tinh, không ít người phải run sợ khi nghĩ đến viễn cảnh bị hàng ngàn mảnh thủy tinh sắc nhọn cứa vào chân. Tuy nhiên trên thực tế, đã có rất nhiều người bước chân trần trên vụn thủy tinh mà không sao. Tại sao lại như vậy?


Bước chân trần trên mảnh thủy tinh

Thực chất, không hề có điều gì bí ẩn ở đây mà tất cả chỉ là một hiện tượng vật lý đơn giản mang tên “áp suất”. Áp suất trong vật lý là áp lực trên một đơn vị diện tích tác dụng theo chiều vuông góc của vật thể. Trong trường hợp này, lực được tính dựa trên cân nặng.

Nếu như bạn chỉ giẫm lên một mảnh thủy tinh sắc nhọn, áp suất sẽ rất lớn do toàn bộ trọng lực của cơ thể dồn lên một mảnh thủy tinh duy nhất - lực này đủ lớn để đâm thủng da chúng ta.


Mảnh thủy tinh sắc nhọn có thể chọc thủng bóng bay dễ dàng.

Tuy nhiên, khi giẫm lên nhiều mảnh, áp lực lúc này sẽ được dàn đều trên mỗi phần da tiếp xúc với thủy tinh. Áp suất cũng theo đó mà giảm đi nhiều lần, giúp chúng ta “bình yên vô sự”.


Khi áp lực được dàn đều, một quả bóng cũng không bị vỡ dù chúng ta có cố dồn nén chúng như thế nào.

Tương tự như vậy, chúng ta thậm chí có thể đứng chân trần, thậm chí ngủ trên bàn chông mà không có vấn đề gì.


Người ta thậm chí có thể nằm ngủ trên hàng ngàn mũi đinh nhọn

Điều quan trọng nhất cần nhớ trước khi bước qua thủy tinh hay giẫm lên bàn chông - đó là phải tự tin. Cùng với đó, bạn cần phải đặt chân thẳng, bước chậm và vuông góc để áp lực được dàn đều. Lúc này, việc bước chân trần trên mảnh thủy tinh sẽ không còn trở nên đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng.

Video dưới đây có thể giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về điều này.

... và "nghệ thuật" bước chân trần trên than hồng

Đôi nét về nghi lễ đi trên tro nóng hoặc than hồng

Theo Scienceabc, đi trên lửa hoặc nghi lễ đi trên tro nóng, than hồng (Firewalking) được hiểu là việc đi chân trần trên mặt sàn dải đầy than hồng hoặc than củi, có phủ một lớp tro nóng. Mặc dù nghi lễ đi trên than hồng đã xuất hiện ở nhiều nền văn hóa trên thế giới từ khá sớm nhưng niên đại gần nhất chúng ta biết về nghi lễ này rơi vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên.

Nghi lễ này thường mang yếu tố tâm linh hoặc tôn giáo. Nó được dùng để kiểm tra sức mạnh của một cá nhân hoặc sự mộ đạo và đức tin tôn giáo của họ. Thậm chí có nhiều người cho rằng, nghi lễ này có thể giúp thanh lọc cơ thể và đem đến một nguồn sức mạnh tâm linh cho những ai dám bước chân trên than hồng.

Bạn có hay, việc đi chân trần trên than hồng là tập tục của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Ấn Độ, đi trên than hồng là một nghi lễ thử thách sức mạnh và sự dũng cảm của con người.

Tại Nhật Bản, lễ hội đi bộ trên lửa được tổ chức vào tháng 3 hàng năm và là một tập tục được cho là đem lại sự may mắn. Ngay tại Việt Nam, bước trên than cũng là tập tục lâu đời của một số dân tộc như Phà Thẻn (Hà Giang) sau mỗi mùa gặt bội thu.


Bước chân trần trên than nóng đỏ 500 độ C (Ảnh minh họa)

Không những thế, những lớp than này thông thường khi nóng đỏ sẽ đạt nhiệt độ khoảng 500 độ C. Phải chăng bàn chân họ sẽ bị "thiêu cháy" ngay lập tức nếu đi trên lớp than này?

Sự thật là những người đi trên than hồng vẫn hoàn toàn bình yên. Lý giải về hiện tượng đi trên than mà không bỏng chân, các chuyên gia vật lý cho rằng, nhiệt độ chỉ là một trong nhiều yếu tố liên quan đến sự truyền nhiệt, bên cạnh một chỉ số quan trọng - chỉ số phóng lưu nhiệt và thời gian tiếp xúc.

Khoa học lý giải ra sao về hành động đi trên tro nóng hoặc than hồng

Trong vật lý, chỉ số phóng lưu nhiệt được tính dựa trên độ dẫn nhiệt, mật độ và nhiệt dung riêng. Hệ số phóng lưu nhiệt của than sẽ quyết định nhiệt lượng truyền đến chân chúng ta có gây bỏng hay không.

Để hiểu rõ hơn nghi lễ này thông qua góc nhìn khoa học, chúng ta hãy cùng xem xét kỹ những yếu tố giúp một người có thể đi chân trần trên than hồng mà không bị bỏng.

  • Đầu tiên, người ta sẽ đốt củi để lấy than hồng trước và đảm bảo rằng nó vẫn cháy âm ỉ nhưng không phát ra ngọn lửa. Tất nhiên, họ đang đi trên than hồng chứ không phải là lửa.
  • Thứ hai, đa số người ta thường sử dụng gỗ cứng và than củi thường trong các nghi lễ đi trên than hồng. Tại sao lại như vậy? Hóa ra gỗ là một chất cách nhiệt rất tốt ngay cả khi chúng đang cháy. Đặc biệt than còn có khả năng cách nhiệt tốt hơn gấp 4 lần so với gỗ cứng.
  • Thứ ba là bề mặt than hồng còn được phủ thêm một lớp tro. Nếu như ban ngày, chúng ta nhìn thấy khá rõ những lớp tro này nhưng đa số các nghi lễ đi trên than hồng đều được tổ chức vào ban đêm nên người ta ít khi nhận ra điều này. Giống như gỗ và than, tro cũng là một chất dẫn nhiệt kém nên giúp làm chậm quá trình truyền nhiệt từ than đến chân của con người.

Trong các tập tục bước trên than, người ta thường sử dụng than củi, loại than có độ dẫn nhiệt, mật độ và nhiệt dung riêng đều thấp. Nếu người đi trên than hồng bước đủ nhanh, thời gian tiếp xúc giữa than và bàn chân đủ nhỏ thì lượng nhiệt trao đổi có thể không tới mức gây bỏng.

Bên cạnh đó, do bàn chân là tổ chức nhiều mạch máu nên trong khoảng thời gian nhấc chân khỏi than giữa các bước đi, dòng máu lưu thông sẽ phát tán lượng nhiệt mà bàn chân đã hấp thụ. Đồng thời khi than nguội, trên bề mặt sẽ xuất hiện một lớp muội than cách nhiệt, góp phần ngăn ngừa nguy cơ bị bỏng.


Ít ai ngờ muội than là một lớp cách nhiệt khá tốt.

Không chỉ vậy, để đảm bảo an toàn, nhiều nơi còn ứng dụng một số thủ thuật. Phổ biến nhất, đó là làm ướt chân trước. Do hơi nước có công suất nhiệt thấp và dẫn nhiệt kém nên khi bước đi, hơi nước bốc lên tạo thành một lớp bảo vệ dưới chân.

Thậm chí như người Hoa xưa sau khi nhúng chân vào nước còn bước qua cát. Lớp cát bám vào chân cũng góp phần tạo một lớp cách nhiệt, giúp ta có thể bước đi dễ dàng.

Tuy nhiên, so với thủy tinh thì việc đi trên than hồng đáng sợ hơn nhiều lần. Nếu không tập luyện kỹ càng, hoặc không đủ tự tin để bước nhanh, nhiệt lượng sẽ đủ lớn để khiến bàn chân bị bỏng nặng.

*Việc đi trên thuỷ tinh, than hồng đòi hỏi phải có sự hướng dẫn và tập luyện, các bạn không nên tự ý thử.

Cập nhật: 14/01/2019 Theo Trí Thức Trẻ/vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video