Căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, hút thuốc, uống nhiều rượu và caffeine có thể là những nguyên nhân khiến nhiều người nghiến răng trong khi ngủ.
Hầu như ai cũng thỉnh thoảng nghiến răng trong khi ngủ. Tình trạng này không thường xuyên và không gây hại, nhưng khi nghiến răng diễn ra thường xuyên, răng có thể bị tổn thương và có thể phát sinh các biến chứng sức khỏe răng miệng khác.
Nguyên nhân gây nghiến răng
Nghiến răng là tình trạng phổ biến xảy ra khi ngủ. (Ảnh: Nolensvillepediatricdentistry).
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), nghiến răng có thể xảy ra khi bạn đang thức hoặc đang ngủ. Tuy nhiên, thông thường nghiến răng xảy ra trong khi ngủ, mọi người không biết rằng họ nghiến răng.
Cơn đau đầu âm ỉ, liên tục hoặc đau hàm khi thức dậy là một triệu chứng dễ nhận biết của chứng nghiến răng. Nhiều khi người ta biết rằng họ nghiến răng bởi người thân của họ nghe thấy tiếng nghiến vào ban đêm.
Ngoài nghiến răng và căng chặt hàm, một số triệu chứng khác của tình trạng này bao gồm:
- Đau mặt, cổ và vai.
- Hàm bị đau, có thể dẫn đến tình trạng gọi là rối loạn thái dương hàm (TMD).
- Răng bị mòn hoặc gãy, có thể làm tăng độ nhạy cảm, dẫn đến mất răng và chất trám.
- Nhức đầu.
- Đau tai.
- Giấc ngủ bị xáo trộn.
Theo Webmd, mặc dù chứng nghiến răng có thể do căng thẳng và lo lắng gây ra, nó thường xảy ra trong khi ngủ và nhiều khả năng là do khớp cắn lệch bất thường, răng bị mất hoặc khấp khểnh. Tinh trạng này cũng có thể do rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ.
Một số loại thuốc, bao gồm một loại thuốc chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), cũng có thể gây ra chứng nghiến răng cho người bệnh. Ngoài ra, chứng nghiến răng cũng liên quan đến hút thuốc, uống nhiều rượu và caffeine, và dùng các loại thuốc như thuốc lắc và cocaine.
Nghiến răng phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trong khi ngủ. Tình trạng này thường dừng lại khi đến tuổi trưởng thành và răng trưởng thành của trẻ đã mọc xong.
Nghiến răng nghiêm trọng không chỉ có thể làm hỏng răng và dẫn đến mất răng mà còn có thể ảnh hưởng đến hàm của bạn, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng nghiến, thậm chí làm thay đổi diện mạo khuôn mặt.
Cách ngăn ngừa nghiến răng khi ngủ
Theo Hindustan Times, tiến sĩ Nirali Patel, bác sĩ phẫu thuật nha khoa và cấy ghép răng miệng tạ Smile Craft Dental Studio (Ấn Độ), chia sẻ bí quyết giúp bạn ngừng nghiến răng.
Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng ban đêm
Nghiến răng liên tục có thể làm mòn men răng và khiến răng dễ bị sâu hơn. Dụng cụ bảo vệ miệng sẽ bảo vệ răng của bạn. Tốt nhất là bạn nên đặt riêng dụng cụ này để thoải mái và vừa khít với hàm răng của mình. Thường xuyên đeo dụng cụ bảo vệ miệng qua đêm là một trong những cách tốt nhất để chống lại chứng nghiến răng khi ngủ.
Dụng cụ bảo vệ miệng là công cụ hữu ích giúp giảm nghiến răng khi ngủ. (Ảnh: Eaglegatedental).
Tập thể dục
Nghiến răng thường là kết quả của căng thẳng hoặc lo lắng, với sự căng thẳng biểu hiện khi bạn nghiến răng. Tập thể dục sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng đó.
Thư giãn ngay trước khi đi ngủ
Khu vực hàm căng chặt cần được thả lỏng, thư giãn trước khi bạn đi ngủ. Hãy thử các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng trong miệng, bao gồm một số cách sau:
- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn cơ hàm.
- Đặt miếng đệm nóng hoặc khăn ướt, ấm lên hàm.
- Uống trà thảo dược không chứa caffeine để làm ấm miệng.
Massage cơ hàm
Hãy thư giãn khuôn mặt của bạn và xoa bóp cơ hàm. Việc massage sẽ giải phóng sự căng thẳng đã tích tụ suốt cả ngày.
Ngừng nhai mọi thứ trừ thức ăn
Bạn có nhai kẹo cao su cả ngày không? Thích nhai đá trong khi làm việc? Bạn nên dừng những chuyển động lặp đi lặp lại này vì chúng sẽ khiến hàm của bạn nghiến lại.
Ngoài ra, bạn nên nói lời tạm biệt với bít tết, bỏng ngô và kẹo dẻo vào những ngày mà chứng nghiến răng bùng phát. Những thực phẩm này đòi hỏi phải nhai nhiều và sẽ làm mòn hàm.
Khi bạn biết mình nghiến răng hoặc nghi ngờ nghiến răng có thể là nguyên nhân gây đau hoặc các triệu chứng khác, hãy đến gặp nha sĩ. Họ có thể kiểm tra độ mòn của răng để xác định xem bạn có nghiến răng không và đưa ra cách điều trị phù hợp.